Làm giàu từ biển: Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa
15 Tháng Bảy 2022 7:27 CH GMT+7
Đội tàu cá của ông Bùi Thanh Ninh (thường gọi là Sáu Ninh, 65 tuổi, ở P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) gồm 8 chiếc đang đi đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa… thu về hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Người dân địa phương gọi ông Sáu Ninh là “vua tàu cá”, nhưng khi chúng tôi nhắc đến chuyện này thì ông liền từ chối. Ông Sáu Ninh cho rằng bản thân cũng là ngư dân như bao người khác ở làng biển, lúc nào cũng mang trong mình khát vọng chinh phục biển khơi, ước muốn làm chủ những con tàu hiện đại nhất, đi khắp vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa… để đánh bắt những mẻ cá lớn, kiếm tiền nuôi gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Làm giàu từ biển: Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 1

Ngôi nhà của tỉ phú Sáu Ninh. HOÀNG TRỌNG

Sinh ra trong gia đình ngư dân, ông Sáu Ninh làm nghề biển từ tuổi thiếu niên. Năm 23 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê rồi đi bạn cho một tàu đánh bắt cá chuồn để mưu sinh. Được vài năm, ông vay ngân hàng 5 triệu đồng làm vốn đi buôn cá chuồn, hải sản... Năm 33 tuổi, ông vay vốn ngân hàng, cộng với số tiền tích lũy của mình đóng chiếc tàu cá trị giá 200 triệu đồng. Chiếc tàu đầu tiên đi biển liên tục có lãi, ông trả dần nợ ngân hàng rồi dành dụm để đóng chiếc tàu thứ 2. Đến năm 43 tuổi, ông Sáu Ninh đóng được chiếc tàu cá thứ 3.

Nhờ lộc biển, những chiếc tàu của ông đánh bắt xa bờ liên tục trúng lớn, số tiền ông Sáu Ninh tích lũy được ngày càng nhiều. Với khát vọng làm giàu từ biển khơi, mỗi khi tích lũy đủ vốn, ông lại đóng thêm tàu đánh bắt có công suất lớn hơn. Đến năm 2010, ông đã có đến 10 chiếc tàu chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ ở vùng biển xa.

Cùng nhau để đi xa hơn

Ông Sáu Ninh là một trong những người đầu tiên ở Bình Định lập nên tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển. Ông chia 10 chiếc tàu của mình thành 3 tổ đội đánh bắt. Các tàu cùng tổ đội sẽ cùng ra khơi, đánh bắt ở vị trí gần nhau nên dễ dàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau.

“Khi chiếc nào gặp sự cố, tôi điều tàu đánh bắt gần đó chạy tới hỗ trợ. Còn tàu nào gặp luồng cá lớn, đánh bắt đã đầy khoang thì tôi điều ngay những tàu gần đó đến tiếp sức. Nếu gặp lúc “biển đói”, đánh bắt dài ngày không đạt, sắp hết nhiên liệu, lương thực… thì các tàu gom hải sản lại để một tàu chở về bờ, các tàu kia tiếp tục đánh bắt. Bán hải sản xong, tàu về bờ này chở nhiên liệu, lương thực… ra tiếp tế cho các tàu đang bám biển”, ông Sáu Ninh kể.

Thấy đội tàu Sáu Ninh đánh bắt hiệu quả, một số chủ tàu khác xin gia nhập để cùng nhau làm ăn. Ông Sáu Ninh vui vẻ nhận lời. Đến năm 2014, đội tàu của ông đã có 16 chiếc với tổng công suất gần 8.000 CV, hơn 180 người tham gia đi đánh bắt, chuyên nghề lưới rút chì để đánh bắt cá ngừ.

Ông Sáu Ninh kể, từ khi thành lập đội tàu cá, ông không trực tiếp đi biển mà giao tàu cho người khác quản lý, còn ông ở nhà điều hành. Ông tìm kiếm, chiêu mộ những ngư dân trẻ giỏi nghề, cần cù làm ăn, trung thực… về đội tàu của mình, đào tạo kỹ năng làm thuyền trưởng rồi giao quản lý tàu cá. Điều đặc biệt là các thuyền trưởng trong đội tàu cá Sáu Ninh hiện nay đều có cổ phần trong chiếc tàu mà mình quản lý.

Làm giàu từ biển: Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 2

Ông Sáu Ninh thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý đội tàu cá của mình. CÔNG CƯỜNG

Ngay từ khi có đội tàu đều đặn ra khơi, ông Sáu Ninh đã lập ra gói vốn 500 triệu đồng để giúp đỡ các lao động của mình. Các ngư dân khi cần tiền trong trường hợp ốm đau, cất nhà, cưới hỏi… đều được ông cho ứng tiền, rồi từ từ thu hồi dần.

Những năm trước, đội tàu của ông Sáu Ninh mỗi năm đánh bắt được hàng ngàn tấn hải sản, bán được khoảng vài chục tỉ đồng. Trừ hết chi phí, gia đình ông Sáu Ninh lãi ít nhất 1 tỉ đồng/năm.

Hiện nay dù đánh bắt gặp khó khăn nhưng trước mỗi chuyến đi biển, các ngư dân trên tàu của ông Sáu Ninh đều được ứng trước 4 triệu đồng/chuyến biển. Nếu chuyến biển đánh bắt đạt năng suất, số tiền ứng trước sẽ được trừ vào tiền lương, còn đánh bắt không đạt thì chủ tàu mất số tiền này. Trong trường hợp đánh bắt trúng, ngoài tiền lương, các ngư dân trên tàu đều được thưởng thêm.

“Làm giàu nhờ chú Sáu Ninh”

Anh Võ Văn Rành (45 tuổi, ở P.Hoài Hương, TX.Hoài Nhơn) là một trong những thuyền trưởng trong đội tàu cá Sáu Ninh. Gia đình vốn nghèo nên thời trẻ anh Rành chăm chỉ đi biển mưu sinh, và được ông Sáu Ninh thu nhận vào đội tàu của mình, đào tạo làm thuyền trưởng.

Làm giàu từ biển: Chinh phục biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa - ảnh 3

Ông Sáu Ninh quản lý và điều khiển đội tàu cá của mình bằng điện thoại thông minh. HOÀNG TRỌNG

Năm 2017, ông Sáu Ninh chi 5 tỉ đồng để đóng mới con tàu rồi giao tài sản cho anh Rành làm thuyền trưởng, cho góp vốn 1/4 cổ phần con tàu (khoảng 1,2 tỉ đồng). Vài năm sau, anh Rành hoàn trả hết số tiền 1,2 tỉ đồng góp vốn ban đầu, mua thêm 1/4 cổ phần con tàu này. Hiện anh Rành đã sở hữu 1/2 con tàu trị giá 5 tỉ đồng, nhà cửa xây dựng khang trang…

Ngoài ra, các ngư dân Nguyễn Văn Phần (ở P.Hoài Hương), Nguyễn Sinh (P.Tam Quan Bắc)… cũng được ông Sáu Ninh cho góp vốn vào con tàu đánh bắt. Nhiều ngư dân nói rằng họ “làm giàu được là nhờ chú Sáu Ninh”. Bởi sau đó họ không chỉ trả hết nợ mà còn tăng cổ phần sở hữu tàu. Nhờ vậy, các ngư dân này không những thoát nghèo mà còn xây được nhà mới khang trang, cuộc sống gia đình ổn định.

Đến nay, ông Sáu Ninh đã nhận được hơn 30 bằng khen, giấy khen của các cơ quan, tổ chức… Năm 2014, ông Sáu Ninh đón nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”. Năm 2015, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2018, ông nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước tặng vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất giai đoạn 2013 - 2017…

“Ông Sáu Ninh tổ chức liên kết các đội tàu cá đánh bắt trên biển, hỗ trợ nhau lúc khó khăn rất hiệu quả và chấp hành rất tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là quy định về lãnh hải. Những năm gần đây, ông Sáu Ninh luôn đầu tư, nâng cấp tàu cá để đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại, qua đó góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Tam Quan Bắc, nói.

Chủ tàu thời 4.0

Thời điểm năm 2018, ông Sáu Ninh đứng tên làm chủ đến 12 con tàu (không tính tàu của người khác xin vào tổ đội đánh bắt). Những năm gần đây, ông bán dần những con tàu nhỏ để dồn tiền đóng những con tàu to hơn, hiện đại hơn. Hiện ông Sáu Ninh còn đứng tên làm chủ 8 tàu cá với tổng công suất trên 4.000 CV, trị giá 40 tỉ đồng. Theo ông Sáu Ninh, số lượng đội tàu giảm nhưng công suất không giảm, độ an toàn khi đánh bắt trên biển cao hơn.

Để thuận lợi cho việc chỉ huy đội tàu trên biển, ông Sáu Ninh gắn thiết bị định vị các tàu, kết nối với điện thoại thông minh để nắm bắt vị trí từng tàu. Mỗi ngày ông chỉ cầm điện thoại cũng có thể quản lý hết chuyện ở ngoài khơi như điều phối đội tàu hỗ trợ lẫn nhau, thông báo tình hình thời tiết, hướng dẫn các tàu đi neo trú an toàn và luôn đảm bảo các tàu cá đánh bắt tại vùng biển được nhà nước cho phép…

(còn tiếp)

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.