'Thương binh' Hoàng Sa tập tễnh mưu sinh
28 Tháng Mười Hai 2020 7:49 CH GMT+7
Sau nhiều năm, tôi mới gặp lại ngư dân Tu Thanh Sơn với bước chân tập tễnh vì từng bị dính đạn ở gần đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.

Anh Sơn trông gầy yếu hơn và cho biết, vẫn phải đi lặn, vẫn quay lại Hoàng Sa mưu sinh để lo cho gia đình. Anh cũng đặt câu hỏi về việc đi giữ đảo nhưng bị Trung Quốc bắn bị thương thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì.

Ngư dân Tu Thanh Sơn dù bị thương nhưng vẫn quay trở lại Hoàng Sa

Ngư dân Tu Thanh Sơn dù bị thương nhưng vẫn quay trở lại Hoàng Sa.

Thấp thỏm “bạn cũ”

Chiếc tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiến vào gần cụm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa để thả ngư dân lặn. Một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc màu trắng lượn lờ và tiến lại gần khiến các ngư dân phải luôn canh chừng và thuyền trưởng điện đàm với các tàu cá khác xem có yên ổn không.

Các ngư dân đi bạn trên tàu của ông Mười Hoa (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) nhìn chiếc tàu Trung Quốc và xem đó như con ngáo ộp. Còn ngư dân Tu Thanh Sơn, người có bước chân hơi sẹo thì lại hồi ức về “người bạn cũ” đã đè anh và ngư dân dưới làn đạn.

Ngư dân Tu Thanh Sơn, sinh năm 1978, quê ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Thanh niên địa phương thường nói về anh Sơn là một người chịu chơi, dám rời thuyền đánh cá theo phương thức nhỏ lẻ ở địa phương để xuống đi biển với đội tàu lớn. Anh Sơn cho biết, ở xã Bình Châu có những chiếc tàu chuyên ra Cát Vàng (Hoàng Sa) đánh bắt cá, nghề này vừa đánh bắt thành công, làm ăn rất bài bản, còn có tiếng là đi ra Hoàng Sa bám giữ đảo, bảo vệ chủ quyền.

Ngồi nói chuyện với các bạn chài ở địa phương, cụm từ “ra Hoàng Sa bám giữ chủ quyền” đã khiến ngư dân có dáng người nhỏ nhắn này trở nên nổi bật.

Từ năm 2000, anh Sơn liên tục xuống xã Bình Châu và đi biển với các thuyền trưởng nổi tiếng, trong đó có sói biển Tiêu Viết Là. Ông Là nổi tiếng vì giữa ban ngày vẫn dám cho tàu chạy cắt ngang qua đảo Phú Lâm đầy súng đạn. Những hòn đảo mà lính Trung Quốc cứ thấy tàu là rập rình cho tàu xông ra đuổi bắt vẫn không làm ông Là lo ngại. Ban đầu, chàng ngư dân trẻ cũng thoáng chút bất an, nhưng mãi thành quen. “Phiên nào cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và dọa”, Tu Thanh Sơn cho biết.

Nhờ những chuyến đi đảo Hoàng Sa, ngư dân Tu Thanh Sơn đã trở thành một ngư dân dày dạn kinh nghiệm. Ngồi trên tàu cá và đi mãi đến vùng nước xanh thẳm vào những ngày ra đảo, anh luôn ước ao có ngày sắm được chiếc tàu, trở thành thuyền trưởng rồi rủ ngư dân địa phương mình đi Cát Vàng. Tại thôn Phước Thiện, phần lớn các ngư dân chỉ đi đánh cá trên các tàu làm nghề lưới ru, lưới vây, tọa độ cách đất liền chỉ chừng hơn 100 hải lý. Còn đến những vùng biển "nóng" thì chỉ có số ít thanh niên dám tham gia.

Anh Sơn cưới vợ, sinh con, đôi vai thêm gánh nặng, nên dù nghe tin các tàu cá đi cùng đoàn thường bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm va, nhưng anh vẫn bình thản và xem như cái nghiệp của người đi Cát Vàng. Trong phiên biển vào ngày 27/6/2007, khi chiếc tàu của ngư dân Tiêu Viết Là băng ngang qua đảo Phú Lâm thì bị một ca nô chở lính Trung Quốc cùng với tàu tuần tra đuổi theo xả súng. Ông Là kể lại “nó ra lệnh cho mình đứng, mình không đứng; nó ép ca nô bắt mình dừng, mình không dừng, vẫn  chạy, vậy là nó bắn như vãi đạn”.

Ngư dân Tu Thanh Sơn hồi tưởng, “em chui xuống hầm máy để núp, nhưng ai dè họ nhắm vô hầm máy bắn cho bể máy nên em bị trúng đạn và lúc đó nghĩ chắc chết giữa biển, chắc bỏ vợ con”.

Chân sẹo trở lại

Năm 2011, tôi gặp vợ chồng ngư dân Tu Thanh Sơn sau 4 năm kể từ vụ bị tàu tuần tra Trung Quốc xả súng bắn bị thương cùng với 5 ngư dân khác.

Chị Nguyễn Thị Quý, sinh năm 1980, vợ của anh Sơn ngồi lặng lẽ với ánh mắt trân trân, vẻ bất lực. Chị càng sụt sùi khi mọi người kéo ống quần để xem vết sẹo do đạn bắn găm vào bắp chân của chồng mình. Đứa con trên tay chị khóc ngặt, một đứa khác thì đòi đi mua bánh… khiến khung cảnh gia đình thêm ảm đạm. Lần đó, anh Sơn có chút niềm vui, đón nhận món quà (40 triệu đồng) của bạn đọc một tờ báo tặng cho ngư dân bị Trung Quốc bắn.

Ngư dân Hoàng Văn Hưng ở gần nhà anh Sơn thì không thể trở lại biển vì vết thương quá nặng

Ngư dân Hoàng Văn Hưng ở gần nhà anh Sơn thì không thể trở lại biển vì vết thương quá nặng.

Anh Sơn và người vợ của mình luôn nhắc về chuyện “vầy thì biết bao giờ đi biển lại được”. Và tôi cũng nghi ngại, chắc chắn anh không thể trở về với cuộc sống bình thường, vì đôi chân khập khiễng, khi mang vác vật nặng thì chân khụy xuống.

Anh kể “nhiều lúc nhìn vợ con thấy thương, nhưng cũng không giúp gì được nhiều, nhưng em còn may mắn hơn bạn Hoàng Văn Hưng, nhà ở xóm 1”. Hoàng Văn Hưng mà anh Sơn nhắc, đó là 1 trong 6 ngư dân bị Trung Quốc bắn gây thương tịch nặng nhất, vết đạn xé cả cánh tay và để lại một vết sẹo như nhát cắt của mảnh bom pháo. Anh đã đi điều trị khắp nơi, từ Hà Nội, tới Đà Nẵng. Ngày anh được Trung Quốc trao trả về bằng đường bộ, từ Lạng Sơn về Hà Nội để tìm cách điều trị nhưng không thuyên giảm, trở thành ngư dân tật nguyền.

Bẵng đi rất lâu, năm 2017, anh Sơn nhắn tin cho biết “ngày mai em trở lại Hoàng Sa, đi chuyến đầu tiên”.  Tôi ngạc nhiên, khi gặp lại thì càng ái ngại khi thấy sức khỏe của anh không khá lên nhiều, chân vẫn tập tễnh và khuôn mặt gầy gò. Nhưng sau đó anh trở lại biển thật. Không đi được tất cả các phiên biển, nhưng anh kể lại niềm vui khi bước lên tàu, ra Hoàng Sa giữ đảo cho Việt Nam.

“Ra đó có gặp lại mấy ông bạn cũ?” – nghe tôi hỏi, anh cười và cũng nhắc lại câu quen thuộc “phiên nào nó cũng rượt, ép, tính ra hơn trước đây nhiều”.

Ngư dân chuyên đi đánh cá ở Hoàng Sa giờ đã quen với hình ảnh một ngư dân có bước chân tập tễnh. Ông Tiêu Viết Là, thuyền trưởng từng chở anh Sơn ra Hoàng Sa trong chuyến đại nạn đó giờ đã nghỉ biển, người con trai là Tiêu Viết Linh và Tiêu Viết Vấn đóng 2 chiếc tàu mới để tiếp tục ra khơi.

Anh Sơn cho biết, cũng không quay lại tàu của cha con ông Là, vì chuyện cũ vẫn còn ám ảnh chưa hết. Đối với anh, mỗi khi ra Hoàng Sa và nghe tiếng hụ của tàu tuần tra, trong ký ức anh lại nhớ đến giây phút ông thuyền trưởng chở 6 ngư dân đẫm máu và cho tàu lao thẳng vào đảo Phú Lâm. Vì nếu chạy ngược về Việt Nam thì các ngư dân sẽ chết.

Anh Sơn trở lại Hoàng Sa và tàu cá thường bị tàu tuần tra Trung Quốc bám theo (Ảnh ngư dân cung cấp)

Anh Sơn trở lại Hoàng Sa và tàu cá thường bị tàu tuần tra Trung Quốc bám theo (Ảnh ngư dân cung cấp).

Bước chân tập tễnh xuống biển, ngư dân Tu Thanh Sơn phải gắng gượng cái nhói đau mỗi khi trái gió, trở trời. Mỗi khi từ Hoàng Sa trở về thì anh mang theo những món đặc sản mà chỉ ở vùng biển Hoàng Sa mới có để đãi bạn chài. Anh tâm sự, “đi lại khó khăn, nhưng vẫn cố gắng làm như anh em bạn; khi về địa phương thì cũng phải giao lưu với anh em, mặc dù sức khỏe thì cũng không tốt lắm, nhưng cuộc sống thì vẫn phải theo hoài”.

Ngồi kể chuyện Hoàng Sa, kể về những cơn đau nhói từ thắt lưng và nơi từng bị ghim những vết đạn nóng bỏng, anh Sơn cho biết “em là ngư dân ra Hoàng Sa giữ biển, cùng với các ngư dân khác đã bị bắn, bị thương, nhưng không rõ Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế nào, đối với những người ngày đêm ra Hoàng Sa bám giữ chủ quyền?”.

Theo nongnghiep.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.