Hoàng Sa xa mà gần: Người vẽ hành trình của cá dưới đáy biển
20 Tháng Giêng 2021 7:08 CH GMT+7
Trong ngôi nhà ở Gành Cả, ông Tẩn lấy một cuốn sổ bìa màu xanh bảo đây là 'bí kíp Hoàng Sa', ghi lại toàn bộ kinh nghiệm hành trình đi biển 35 năm của ông. Lật từng trang, những con số lần lượt hiện ra...

Ra Hoàng Sa mưu sinh, ông Bùi Văn Tẩn (61 tuổi) ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cầm theo một cuốn sổ bìa màu xanh mà bạn chài hay gọi là "bảo bối", rồi theo đó đến từng đảo, canh tọa độ lặn xuống để bắt hải sản.

Thợ lặn trên tàu cá của ông Tẩn xuống biển 	 /// ẢNH: LÊ CHƯƠNG

Thợ lặn trên tàu cá của ông Tẩn xuống biển. ẢNH: LÊ CHƯƠNG

Cuốn sổ này là “bí kíp” gần 35 năm ông tỉ mỉ “vẽ” lại hành trình của từng luồng cá trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Đến bây giờ, 3 người con trai ông cũng theo nghiệp biển, tiếp tục ra khơi theo kinh nghiệm cha truyền lại, tiếp nối truyền thống gia đình bám biển đảo Hoàng Sa.

Những con tàu nối tiếp

Tôi gặp ông Bùi Văn Tẩn và các con trai khi tàu cá của ông vừa từ Hoàng Sa trở về đất liền. Đây là phiên biển cuối năm, nên ông có thời gian để trò chuyện với khách về chuyện đời đi biển, về những gian truân và tự hào khi 35 năm cầm lái những con tàu ra Hoàng Sa, Trường Sa và các biển đảo xa gần từ bắc vào nam. Ngần ấy thời gian, ông Tẩn luôn mãn nguyện khi các bạn chài đi với ông đều chưa gặp rủi ro trên biển, ai cũng làm ăn khấm khá, thương yêu nhau như một gia đình.

17 tuổi, ông Tẩn đã theo cha và người lớn ra khơi. Ngày đó không theo được các huynh trưởng đi xa hàng tháng, ông Tẩn chọn hải trình đi mấy ngày hoặc khoảng một tuần cho quen thủy hải, phong ba. Khoảng 25 tuổi (những năm cuối thập niên 1980), ông Tẩn quyết định mua con tàu công suất 30 CV cùng các bậc cha anh ra Hoàng Sa, chưa kể nhiều chuyến còn đến Trường Sa.

Trong những lần ra Trường Sa, ông Tẩn từng gặp một vị tướng của QĐND Việt Nam trên đảo. Giờ chuyện đã xa rồi, nhưng ông Tẩn không quên buổi vị tướng nói chuyện, tặng quà, bảo tàu cá ngư dân nhỏ quá, không đảm bảo khi hành trình trên biển, rồi khuyên ngư dân chí thú làm ăn, tích góp tiền thay tàu lớn để ra khơi mưu sinh, tham gia bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Hoàng Sa xa mà gần: Người vẽ hành trình của cá dưới đáy biển

Ông Tẩn và cuốn sổ ghi chép hành trình luồng cá ở Hoàng Sa. ẢNH: PHẠM ANH

Thời đó, tàu cá nhà ông Tẩn nhỏ lắm, chỉ dài 14 m, cứ ì ạch hai ngày một đêm ra đến Hoàng Sa, nhưng ở cái tuổi ấy mà có tàu riêng là “oách” lắm rồi. Mỗi bận ra khơi nó rú còi, phun khói và hùng dũng lao ra biển xa, để khi trở về kể cho đất liền nghe những hải trình thú vị. “Cày” với con tàu này hơn 10 năm, một lần gặp bão lớn, ông Tẩn cùng anh em trên tàu suýt chết, nhưng nhờ có tàu biên phòng kè lai dắt về bờ nên thoát nạn. Năm 2004, ông Tẩn đóng con tàu dài 16 m, công suất 80 CV và cách đây 3 năm, ông đóng tàu mới hoành tráng, công suất 820 CV, đủ sức vùng vẫy trên biển, đương đầu với những con sóng lớn ở Hoàng Sa.

Cẩm nang hải trình

Trong ngôi nhà ở Gành Cả, ông Tẩn lấy một cuốn sổ bìa màu xanh bảo đây là “bí kíp Hoàng Sa”, ghi lại toàn bộ kinh nghiệm hành trình đi biển 35 năm của ông. Lật từng trang, những con số lần lượt hiện ra. Từ gò Ba Tiến đến các đảo Phú Lâm, đảo Đá Lồi, Bạch Quy, trụ đèn đảo Đá Bắc, đảo Bom Bay, lạch Xà Cừ trên… nơi nào ông cũng có ký hiệu riêng, đánh số 97 - 49, 53 - 04, 10 - 80 và 10 - 46, 97 - 49, 53 - 04…

Hỏi những ký hiệu trên là để làm gì, ông Tẩn cười hiền: Nhờ nó mà tàu lặn của ông mỗi chuyến về bờ kiếm ít nhất 200 triệu đồng, các bạn tàu của ông được 20 triệu đồng/lao động/phiên biển. “Chuyến về ít nhất cũng 10 - 12 tấn cá, còn nhiều là 15 tấn cá. Tất cả đều nhờ cuốn sổ màu xanh này”, ông Tẩn nói.

Hoàng Sa xa mà gần: Người vẽ hành trình của cá dưới đáy biển

Cá đánh bắt ở Hoàng Sa. ẢNH: LÊ CHƯƠNG

35 năm lăn lộn trên biển, ông Tẩn bảo người có nhà thì cá cũng có chỗ đi về trú ngụ, chỉ khác ở chỗ: cá di cư từng tháng, từng mùa. Tuy nhiên, cứ đến mùa thì những ngày của tháng đó nhất định trở lại nơi trú ngụ xưa. Chỉ cần nắm bắt được quy luật này thì đi biển thắng lớn. Ông Tẩn thừa biết chỗ nào cá về thành gò, thành điểm thì ghi lại ngày, tháng và tọa độ. Có chỗ, dù ghi đến vài điểm cá trú ngụ, nhưng lặn xuống kiểm tra, ông phát hiện thêm các hang cá ngầm, đây chính là các kho hải sản dưới biển.

“Dưới biển lạ lắm, có khi đi qua rồi mà không biết, đến khi quay lại khám phá kỹ hơn mới phát hiện nhiều điều thú vị. Các rạn san hô, đá ngầm ở Hoàng Sa đều ẩn chứa những bất ngờ như vậy”, ông Tẩn nói.

Hết tháng này năm nọ, ông Tẩn ra biển và lật sổ ra, hướng dẫn ngư dân trên tàu theo những tọa độ, điểm cá mà mình đã ghi chép và chuyến biển nào về bờ cũng khấm khá. Cứ thế, sơ đồ cá dưới đáy biển Hoàng Sa được ông Tẩn vẽ mỗi ngày một hoàn thiện. “Bây giờ, hải sản ít hơn trước. Nếu các năm chỉ cần hơn 10 đêm là tàu đầy cá, nay phải lặn hơn 20 đêm mới được như trước. Có điều, quy luật hành trình của cá ở Hoàng Sa thì vẫn chưa thay đổi, vẫn nằm trong cuốn sổ này”, ông Tẩn nói.

Vài năm gần đây, do tuổi đã lớn, ông không còn trực tiếp lặn để kiểm tra, mà thường ở trên tàu chỉ huy. Mỗi phiên lặn, ông cho hai chiếc ca nô thả xuống biển, với 10 lao động, giao cho hai đứa con trai, mỗi đứa một chiếc đưa lao động đi đánh bắt. Điều đáng nói, rất ít khi ông Tẩn cho bạn chài trên tàu cá của mình lặn sâu hàng chục mét dưới đáy biển. “Sinh mạng là vô giá. Nghề lặn biển vô cùng rủi ro, nếu có anh em đi tàu gặp nạn, mình ân hận cả đời. Vì vậy, nếu không bức thiết thì tôi luôn chọn giải pháp an toàn cho anh em”, ông Tẩn tâm sự.

Ngoài những ghi chép về quy luật di chuyển, trú ngụ của hải sản, ông Tẩn còn ghi chép cả những ngày tháng thường diễn ra bão biển, cách di chuyển và địa điểm trú bão an toàn. Nhờ vậy mà bao nhiêu năm nay, tàu cá ông Tẩn vẫn an toàn.

Hoàng Sa xa mà gần: Người vẽ hành trình của cá dưới đáy biển

Cuốn sổ ghi ký hiệu chi chít của ông Tẩn. ẢNH: PHẠM ANH

Nối nghiệp Hoàng Sa

Trong bữa cơm trưa hôm ấy ở nhà thuyền trưởng Tẩn, tôi thưởng thức món cá đỏ từ Hoàng Sa. Thế nhưng điều bất ngờ nhất là về cậu con trai út tên Bùi Văn Tiễn (28 tuổi). Nhìn dáng thư sinh, trắng trẻo cứ ngỡ là “công tử” xứ biển, ai ngờ cũng xông pha biển không dưới 10 năm.

Ông Tẩn chia sẻ, vợ chồng có 3 trai, 1 gái. Hai con trai lớn ông cho theo cha nối nghiệp nghề biển Hoàng Sa, còn Tiễn, gia đình cho ăn học đàng hoàng. Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, có bằng kỹ sư dân dụng trong tay, anh chàng đi làm ở thành phố lớn vài năm thì chán vì nhớ biển. Tiễn về quê xin ba đi biển. Ông Tẩn trợn mắt: “Cho con đi học để thoát nghề biển dã. Ai lại học xong thì về… đi biển như cha thì học làm chi con ơi!”. Tiễn cứ cười cười và… nhảy lên tàu ra khơi.

“Say sóng không?”, tôi hỏi. Tiễn cười: “Nghề gia truyền mà say sao được anh”. Hỏi ra, từ thời là sinh viên, hè nào Tiễn cũng về theo cha đi biển. Những tháng hè theo cha ra làm ở Hoàng Sa, đủ cho Tiễn chi tiêu nửa năm ở TP.HCM. “Mỗi tháng chi tiêu chừng 5 triệu đồng, nhưng em làm được ba, bốn chục triệu đồng, cơm sinh viên sao tiêu hết được”, Tiễn khoe.

Vui theo câu chuyện của cậu con trai út, ông Tẩn bảo: “Hơn 15 ngày nữa là nó (Tiễn) cưới vợ. Vậy là, gia đình tôi 4 người cùng ra Hoàng Sa mưu sinh, giữ đảo”. Nói xong, ông Tẩn nhìn ra phía biển…

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.