Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Tô phở Gạc Ma
15 Tháng Ba 2021 9:53 CH GMT+7
TP - Chúng tôi tìm đến quán phở có tên “Gạc Ma – Trường Sa” ở số 5D đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Như mọi buổi sớm thường ngày, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa – chủ quán vẫn miệt mài với công việc bán phở mưu sinh. Dáng vẻ nhanh nhạy như một người đầu bếp chuyên nghiệp, ông Thoa đang tỉ mỉ chế biến từng bát phở nóng hổi, thơm ngon cho thực khách.

Mỗi ngày, tại quán phở “Gạc Ma - Trường Sa” của ông Thoa luôn nườm nượp khách ghé thăm, thưởng thức phở. Người đến ăn quán của ông đông, không chỉ vì phở ngon mà còn khâm phục bởi chí khí của người đầu bếp duy nhất tại quán này. Họ đến đây không chỉ để ủng hộ ông mà còn để nghe ông kể, được xem những bức ảnh treo trên tường gợi nhớ về sự kiện những chiến sĩ Hải quân Việt Nam kiên cường chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma – Trường Sa trong sự kiện chấn động ngày 14/3/1988.

Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Tô phở Gạc Ma - ảnh 2

Quán phở Gạc Ma – Trường Sa của ông Thoa. Ảnh: Trương Định

Khách đến quán ăn của ông Thoa cũng đủ mọi thành phần, từ anh xe thồ, bác xích lô, chị công nhân cho đến các cháu học sinh. Quán vừa thưa khách một chút, ông Thoa rảnh tay tâm sự, hằng ngày ông phải thức dậy từ 4 giờ sáng để đi chợ, mua nguyên liệu để về sơ chế và chuẩn bị để đến 6 giờ sáng là quán bắt đầu mở bán. Tất cả mọi công việc đều một mình ông đảm nhận. Quán phở của ông Thoa bán với giá cũng rất bình dân, tô lớn 25 nghìn đồng, nhỏ thì 15 nghìn...

 “Quán được mọi người ủng hộ nên lượng khách đến quán cũng ổn định. Mỗi buổi sáng tôi bán được khoảng 100 tô, lời cũng được một ít. Nhưng đây không chỉ để mưu sinh, mà còn là cái tình tôi muốn gửi gắm. Quán bình dân cũng không có gì đặc biệt lắm so với các quán phở khác, nhưng được mọi người yêu quý nên đến ủng hộ. Nhiều người đến hỏi sao giá cả mọi thứ đều lên mà tô phở “Gạc Ma – Trường Sa” vẫn không tăng? Tôi biết là bán như thế cũng không lời mấy nhưng vì cái tình và danh nghĩa là người chiến sĩ trở về từ Gạc Ma nếu bán giá cao quá thì mất đi cái ý nghĩa của quán”, ông Thoa bộc bạch.

Ông Thoa tâm sự, thỉnh thoảng mấy anh em đồng đội Trường Sa của ông cũng hay về quán chơi và thưởng thức phở. “Cũng rất mong muốn gặp lại đông đủ anh em ở đây để ngồi cùng nhau, ăn tô phở ôn lại bao kỷ niệm năm ấy, nhưng giờ cuộc sống ai cũng còn nhiều thứ phải lo toan quá nên cũng không thu xếp được”.

Ngồi thưởng thức tô phở nóng bốc khói, nghe ông Thoa kể lại bao chuyện đã qua, những diễn biến năm ấy mới thấm hết được từng cái vị trong tô phở mà như đúng với cái tên của quán “Phở Gạc Ma – Trường Sa”, kỷ niệm máu lửa một thời của ông. Những câu chuyện tưởng chừng chỉ được xem trên truyền hình, báo đài.

Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt chúng tôi là một nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma – Trường Sa năm ấy (14/3/1988). Cái ngày mà cựu binh Lê Minh Thoa nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại “đồng đội mình hy sinh quá nhiều”. Cựu binh Lê Minh Thoa nhớ lại như in, những thời khắc lịch sử, những con số, những hành vi tàn bạo của lính Trung Quốc ngày ấy và cả những phút giây giữa sự sống và cái chết khi ông lênh đênh trên biển cho đến lúc bị bắt giữ.

Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Tô phở Gạc Ma - ảnh 1

Công việc bán phở mưu sinh của ông Thoa. Ảnh: Trương Định

Tạm gác lại những chuyện quá khứ, trở về cuộc sống đời thường, hằng ngày cựu binh Lê Minh Thoa vẫn miệt mài lao động để chăm lo cho gia đình. Dù mang trên mình không ít vết thương, nhưng cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau, mở quán phở để mưu sinh. Ông Thoa chia sẻ, là lao động chính trong nhà, vợ ông làm bảo mẫu đồng lương cũng tằn tiện. Vậy là hằng ngày ông phải bươn chải đủ mọi việc để kiếm sống, để lo cho cha mẹ già và nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học.

“Giờ mở được quán phở này, so với nhiều gia đình khác thì tôi thấy mình cũng ổn định hơn. Giờ cũng không mong muốn gì nhiều, chỉ mong sao khỏe mạnh, có sức khỏe để làm việc chăm lo cho gia đình”, người cựu binh Gạc Ma 55 tuổi Lê Minh Thoa tâm sự.

Thời khắc không bao giờ quên

Đã 33 năm trôi qua, dù cuộc đời chịu nhiều thăng trầm nhưng hai chữ Gạc Ma chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của cựu binh Lê Minh Thoa. Bởi với ông, lúc nào trong giấc mơ những ký ức, những hình ảnh của đồng đội trong trận hải chiến bi tráng bảo vệ đảo Gạc Ma 14/3/1988 cũng hiện về.

Năm 1985, chàng thanh niên 17 tuổi Lê Minh Thoa quê vùng núi Tây Sơn (Bình Định) lên đường nhập ngũ, được cử đi học thợ máy, rồi về làm nhiệm vụ sửa chữa máy móc trên tàu HQ 602 tại Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân đóng tại Tân Cảng (TP HCM). Đầu năm 1988, ông được tăng cường sang tàu HQ 604 làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Ông Thoa kể, khoảng 15 giờ chiều ngày 13/3/1988, tàu đến đảo Gạc Ma cách khoảng 500m thì bắt đầu neo tàu. Lúc này cũng có tàu hải quân Trung Quốc đi ngang qua áp sát tàu HQ 604 đang làm nhiệm vụ rồi dùng loa khiêu khích. Tàu HQ 604 nhận được lệnh khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng lên đảo Gạc Ma để đặt mốc chủ quyền ngay trong đêm 13/3/1988. Sau khi đặt được mốc và cắm cờ Tổ quốc, một nhóm chiến sĩ được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo, còn các chiến sĩ khác tiếp tục vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo.

Sự kiện Gạc Ma (Trường Sa), 33 năm: Tô phở Gạc Ma - ảnh 3

Ông Lê Minh Thoa cùng với bức ảnh kỷ niệm chụp chung với các đồng đội. Ảnh: Trương Định

Rạng sáng 14/3/1988, hải quân Trung Quốc dùng xuồng đưa lính thủy quây vòng tròn tiến lên đảo Gạc Ma. Thuyền trưởng HQ 604 Vũ Phi Trừ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Những chiến sĩ trên đảo lùi dần về phía lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Gạc Ma và tạo thành một vòng tròn vây quanh lá cờ, quyết không để địch cướp cờ. Sau đó, lính Trung Quốc nổ súng vào quân ta. Tàu hải quân Trung Quốc đưa lính vũ trang tràn lên đảo Gạc Ma, rồi bắn pháo vào tàu HQ 604 làm tàu bị hỏng nặng.

“Lúc đó, tôi lo chữa cháy cho tàu HQ 604 và bị thương do dầu máy văng vào. Tôi bị bỏng toàn bộ ở lưng và bị trúng đạn ở mắt cá chân. Tàu HQ 604 tiếp tục hứng chịu hàng loạt các đợt đạn của địch, bị thủng nhiều lỗ và hỏng nặng, rồi chìm dần xuống biển. Tôi nhảy khỏi tàu, ôm được hai trái bí xanh là lương thực của tàu để bơi. Lênh đênh trên biển nhiều giờ đồng hồ thì bị tàu Trung Quốc bắt giữ”, ông Thoa kể.

Trong trận chiến đó, ông Thoa cùng 8 người đồng đội khác bị quân Trung Quốc bắt giam và chịu tù đầy hơn 3 năm tại bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đến tháng 9/1991, Trung Quốc mới quyết định phóng thích tù binh cho Việt Nam. Trở về Việt Nam, ông Thoa phục vụ trong quân ngũ và đến cuối năm 1996 thì xin xuất ngũ. Tháng 10/2017, sau khi giám định lại thương tật, ông Thoa được công nhận là thương binh loại 4/4.

... Đã quá trưa, quán phở vãn dần khách. Người đàn ông có vóc dáng chắc nịch từng kiên gan sống chết giữa làn đạn kẻ thù để bảo vệ từng tấc biển đảo của Tổ quốc ngày ấy, giờ ngồi lặng nơi quán phở bình dân mang cái tên đầy hoài niệm này, như một cột mốc thời gian.

Rồi như chợt ra khỏi dòng hồi ức, ông Thoa khẽ nở nụ cười hiền: “Tôi cũng có tham gia trong Ban liên lạc bộ đội Trường Sa, hằng năm cứ đến ngày 14/3 là anh em lại gặp nhau, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, vui có buồn cũng có. Tôi cũng đang sắp xếp công việc, tính ngày mai (12/3) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để gặp mặt các đồng đội”. 

Về cái tên quán rất đặc biệt: “Phở Gạc Ma – Trường Sa”, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa, tâm sự: “Ai tới đây cũng hỏi, nhưng khi vào quán ăn xong, nghe tôi giải thích thì mọi người hiểu ra ngay. Tôi đặt tên là phở Gạc Ma - Trường Sa không phải câu khách để kiếm sống mà chỉ muốn mọi người nhớ đến hòn đảo này. Nơi đã có bao xương máu của chiến sĩ Việt Nam đổ xuống, nhiều người vĩnh viễn nằm lại đây để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Những ngày này, tôi lại xúc động, bồi hồi tưởng nhớ đồng đội, những người còn sống và cả những người đã hy sinh”.

(Còn tiếp)

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.