Chuyên gia: Mỹ không nhượng bộ Trung Quốc một phân nào tại Biển Đông
15 Tháng Giêng 2022 7:33 CH GMT+7
Nhà phân tích Dov Zakheim nói những tài liệu mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 12/1 phản ánh lập trường cứng rắn của Washington trước Bắc Kinh trong các vấn đề an ninh trọng yếu.

Ngày 12/1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu nghiên cứu dài 47 trang, với tên gọi Báo cáo số 150, bác bỏ các căn cứ địa lý và lịch sử liên quan đến yêu sách chủ quyền “phi pháp" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bien Dong anh 1

Đơn vị hành chính của cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc tự dựng lên vào năm 2012 để quản lý trái phép hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

“Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển, cũng như nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)”, nghiên cứu viết.

Chia sẻ quan điểm với Zing, ông Dov Zakheim, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng việc báo cáo mới được công bố vào lúc này thể hiện tính tiếp nối chính sách về Biển Đông của Mỹ.

“Điều quan trọng là chính quyền Biden rõ ràng sẽ không sẵn sàng nhượng bộ một phân nào trước Trung Quốc về Biển Đông”, ông nói.

Tính toán của Mỹ

Trước nghiên cứu mới công bố, lần gần nhất Washington công bố nghiên cứu chính thức về yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh là vào năm 2014, thời điểm nước Mỹ nằm dưới quyền điều hành của ông Barack Obama.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump (2017-2021), Mỹ không cập nhật nghiên cứu trên nhưng cũng gửi công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào năm 2020, với các lập luận giống nghiên cứu vừa công bố, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) nói với Zing.

Bien Dong anh 2

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Dov Zakheim. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Cùng năm 2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo ra tuyên bố “bước ngoặt” bác bỏ các luận điểm cụ thể của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái như vậy.

Tới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ dường như đã quay trở lại phong cách hành động “nói có sách, mách có chứng”, theo ông Thayer.

“Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đề cao luật pháp quốc tế hơn”, ông Thayer nói. “Điểm khác biệt về phong cách này đã cho ra đời nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ như là nền tảng pháp lý cho chính phủ Mỹ”.

Nhận xét về thời điểm công bố, ông Thayer chỉ ra rằng nghiên cứu mới được đưa ra sau một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc trong năm 2021, bất chấp lời kêu gọi “tự kiềm chế” của ASEAN.

Chẳng hạn, vài trăm tàu cá và tàu dân quân biển Trung Quốc đã tụ tập trái phép xung quanh đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong tháng 3-5/2021, hoặc 16 vận tải cơ quân sự Trung Quốc bay theo đội hình đã xâm nhập không phận của Malaysia vào tháng 6/2021.

Bien Dong anh 3

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: AFP.

Không chỉ đưa tàu thăm dò và tàu hộ tống tới quấy rối hoạt động phát triển dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Trung Quốc còn âm thầm đề nghị nước này ngừng khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, theo ông Thayer.

Ba điểm nổi bật

Giáo sư Thayer chỉ ra rằng nghiên cứu mới, thuộc series nghiên cứu “Ranh giới trên biển” của Bộ Ngoại giao Mỹ, có ba điểm nổi bật.

Đầu tiên, nghiên cứu tập trung xem xét cách Trung Quốc xây dựng các lập luận mới để lý giải cho các yêu sách chủ quyền của mình, sau khi Tòa Trọng tài vào năm 2016 đã nhận định cái gọi là “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử” của Bắc Kinh không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, theo ông Thayer.

Tiếp theo, nghiên cứu mới cũng bác bỏ căn cứ Trung Quốc đưa ra trong yêu sách chủ quyền đối với cái gọi là “Nam Hải chư đảo”, gồm "Tứ Sa": Đông Sa (đảo Pratas), "Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "Nam Sa" (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield).

Cuối cùng, nghiên cứu đi sâu vào xem xét cơ sở mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông, cũng như đường cơ sở thẳng, các vùng biển và quyền lịch sử.

“Tài liệu kết luận rằng chúng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”, ông Thayer nói.

Bien Dong anh 4

Cận cảnh các tàu cá Trung Quốc, thực tế là tàu dân quân biển giả dạng, neo trái phép gần đá Ba Đầu. Ảnh: Cảnh sát biển Philippines.

Theo ông Thayer, nghiên cứu mới còn củng cố lập trường của Việt Nam là bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông và phản đối các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ quanh Hoàng Sa của Việt Nam.

Bên cạnh nội dung chính, nghiên cứu mới của Bộ Ngoại giao Mỹ còn đi kèm một tài liệu bổ sung có nội dung xem xét hành động của các nước.

“Phần bổ sung này nhắc đến lập trường của Việt Nam với kết luận rằng các hành động của Việt Nam phù hợp với UNCLOS”, ông Thayer nói.

Về phản ứng của Trung Quốc trước nghiên cứu mới của Mỹ, ông Zakheim nhận định Bắc Kinh sẽ bác bỏ báo cáo này.

“Chính quyền Biden chắc chắn hy vọng rằng bản báo cáo mới sẽ giúp các nước ASEAN mạnh mẽ hơn trong ứng xử với Trung Quốc. Dù vậy, một số nước ASEAN từ trước cũng đã có lập trường cứng rắn về vấn đề này”, cựu Thứ trưởng Zakheim nói.

Đồng tình, ông Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phản ứng trước bất cứ sự thách thức nào đối với yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.

Trước Báo cáo số 150 của Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 14/1 cho biết “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển”.

"Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương. Theo đó, Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", bà Hằng cho biết.

"Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.

Theo zingnews.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.