Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom
23 Tháng Mười Hai 2020 6:59 CH GMT+7
Những chiếc máy bay vận tải quân sự An-26 của Không quân nhân dân Việt Nam trong suốt 40 năm qua (1980 - 2020) đã hoàn thành sứ mệnh 'ngựa thồ trên không' và trở thành chiến binh huyền thoại, thầm lặng của bầu trời.

Ngay sau khi Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam (tháng 2.1979), Chính phủ Liên Xô (cũ) đã viện trợ khẩn cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam 1 trung đoàn máy bay vận tải quân sự An-26.

Hơn 40 năm kể từ khi chiếc An-26 đầu tiên được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), đến nay những chiến binh thầm lặng của bầu trời đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình...

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 1

Các máy bay An-26 được Liên Xô viện trợ, tập trung tại sân bay Gia Lâm (TP. Hà Nội), đầu năm 1983 (hình: Tư liệu). MAI THANH HẢI

Thượng tá Nguyễn Chí Cự, nguyên phó trung đoàn trưởng trung đoàn không quân vận tải 918, nay là lữ đoàn 918, thuộc quân chủng Phòng không – không quân (QCPKKQ) năm nay 80 tuổi, hiện đang sống tại Q.12, TP.HCM. Ông là 1 trong số ít phi công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam được chuyên gia Liên Xô (cũ) dạy bay máy bay vận tải quân sự An-26 cấp tốc ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉ trong vòng 6 tháng và gắn bó với An-26 cho đến lúc nghỉ hưu.

Chuyển loại cấp tốc

Cuối năm 1979, khi đang là phi công C-47 (máy bay chiến lợi phẩm của Mỹ), thượng úy - phó phi đội trưởng Nguyễn Chí Cự được cấp trên gọi lên quán triệt: “Tới đây, trung đoàn sẽ được trang bị khí tài mới của Liên Xô (cũ). Anh là người đầu tiên chuyển loại máy bay này ngay trong nước. Phải bay được trong 6 tháng, theo yêu cầu chiến trường”.

Nghe vậy, thượng úy Cự rất lo bởi việc chuyển loại máy bay từ trước đến nay thường thực hiện trong thời gian cả năm, ở nơi sản xuất. Ông chỉ thở phào khi cuối 1980, biên đội 2 chiếc An-26 đầu tiên mang số hiệu 210, 212 cùng đoàn chuyên gia Liên Xô (cũ) có mặt tại căn cứ Tân Sơn Nhất, vừa chuyển loại phi công vừa làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy trên không.

“An-26 là máy bay vận tải tầm trung, chở được khoảng 50 người, hoặc 5,5 tấn hàng, tốc độ bay 400 - 450 km/h, tầm bay 2.000 km, phù hợp với địa hình Việt Nam. Chúng tôi đã được học và bay các máy bay do Liên Xô sản xuất nên việc làm chủ cũng thuận lợi”, thượng tá Cự kể vậy và cười: “An-26 giống như An-24 nhưng hiện đại hơn và có cửa sau”.

Cam kết của Chính phủ Liên Xô (cũ) là viện trợ cho Việt Nam 1 trung đoàn, đủ 50 chiếc máy bay An-26 nên từ cuối năm 1979, QCPKKQ (thời điểm đó là quân chủng không quân) đã liên tục cử các đoàn phi công, nhân viên bay sang Liên Xô (cũ) học chuyển loại sử dụng máy bay AN-26 trong thời gian từ 6 tháng đến 3 năm, đào tạo mới từ 4 - 5 năm.

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 2

Thượng tá Nguyễn Chí Cự, nguyên phó trung đoàn trưởng 918 (nay là lữ đoàn 918). MAI THANH HẢI

Đầu năm 1981, toàn bộ số máy bay hệ 2 (máy bay chiến lợi phẩm của Mỹ thu được sau ngày 30.4.1975) của trung đoàn 918 ngừng hoạt động bay vì vật tư kỹ thuật cạn kiệt, các máy bay đã quá hạn tổng kiểm nhiều lần.

Yêu cầu thay thế máy bay để phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia… luôn được đưa ra trong các cuộc họp của Bộ Quốc phòng. Do ta liên tục đốc thúc, phía Liên Xô (cũ) đẩy nhanh quá trình chuyển giao An-26 sang Việt Nam để lắp ráp, bay thử và đưa vào hoạt động. Toàn bộ phi công, nhân viên bay 918 được đào tạo chuyển loại sử dụng An-26 và đến giữa 1981, phi đội An-26 thứ 2 về tới Việt Nam, nâng tổng số lên 20 chiếc.

“Có nhiều máy bay mới, rất phấn khởi. Ban đầu, đơn vị chỉ có 2 tổ bay làm giáo viên. Chúng tôi phải chọn một số phi công và nhân viên bay đã học tại Liên Xô (cũ) hoặc đã bay nhiều năm trên máy bay Liên Xô để đào tạo nhanh thành giáo viên An-26”, thượng tá Cự rành mạch và giải thích: “Hồi ấy, QCPKKQ đình chỉ hoạt động của máy bay MiG-17, MiG-19 nên nhiều phi công từ các đơn vị chuyển về 918. Đến giữa 1981, đơn vị có 15 tổ bay An-26 bay, làm được nhiệm vụ chuyển quân và thả dù”.

Do hoạt động bay cường độ cao, chỉ vài tháng sau khi về Việt Nam, một số máy bay An-26 đã phải vào xưởng bảo dưỡng kỹ thuật vào đầu tháng 6.1981. Cũng thời gian này, trung đoàn 918 cử 99 người sang Liên Xô (cũ) đào tạo phi công và nhân viên bay An-26, khóa học 4 năm.

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 4

Máy bay An-26 được dùng làm chuyên cơ phục vụ lãnh đạo cao cấp, giữa những năm 80; Tư liệu. MAI THANH HẢI

Máy bay Liên Xô thả bom của Mỹ

Từ tháng 3.1979, nhiều khí tài quân sự được nhập vào Việt Nam, trong đó có máy bay vận tải quân sự An-26 của Liên Xô (cũ). Ngày 16.4.1979, đại tá Lương Hữu Sắt, phó tư lệnh về kỹ thuật – hậu cần của quân chủng không quân (sau là trung tướng, phó chủ nhiệm tổng cục kỹ thuật, Bộ quốc phòng) giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận máy bay An-26 cho các đơn vị trong quân chủng và chỉ đạo Xưởng A41 (nay là nhà máy A41, cục kỹ thuật PKKQ) tổ chức đoàn cán bộ nhân viên sang Liên Xô (cũ) chuyển loại quy trình bảo dưỡng kỹ thuật máy bay An-26.

Đầu tháng 8.1979, đoàn chuyển loại của A41 gồm 27 người sang Liên Xô. Lý thuyết học tại TP. Kirovohrad (nay là Học viện bay Kirovohrad của Đại học Hàng không Quốc gia, Ukraina), thực hành tại trường không quân Krasnodar (nay là Học viện không quân Krasnodar, Liên bang Nga).

Đoàn phó chuyển loại hồi ấy là trung úy Nguyễn Thanh Lâm, sau trưởng thành làm đại tá – giám đôc nhà máy A41, giờ đã nghỉ hưu, kể: “Đến đầu 1980, nguồn vật tư kỹ thuật của máy bay hệ 2 (máy bay Mỹ thu được sau ngày 30.4.1975) cạn kiệt, các máy bay đã quá hạn tổng kiểm nhiều lần, trong khi nhu cầu chi viện hỏa lực của bộ đội trên chiến trường Campuchia ngày càng cao. Quá bức bách, quân chủng phải ký quyết định cho tăng hạn sử dụng 2 máy bay C-130 số 04 và 05 thêm 6 tháng”.

Cái khó ló cái khôn. Những cán bộ kỹ thuật không quân nêu ý kiến: “Tại sao không cải tiến máy bay vận tải An-26 thành máy bay ném bom?”. Tháng 6.1980, quân chủng giao nhiệm vụ cho A41 nghiên cứu cải tiến máy bay An-26 chuyên vận tải thành máy bay ném bom. Nhiều sáng kiến được đưa ra, cuối cùng phương án “trang bị bom MK-81, MK-82 của Mỹ lên máy bay An-26” của kỹ sư Nguyễn Hữu Sửu và trợ lý Viện Kỹ thuật không quân Nguyễn Kim Khôi được thông qua. Các phương án cải tiến được đưa ra: Lắp bom vào giá treo ngoài máy bay; lắp bom vào khoang chở hàng...

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 5

Lắp bom lên máy bay An-26 để làm nhiệm vụ chiến đấu tại Campuchia, 1984; hình: Tư liệu. MAI THANH HẢI

“Cấp trên duyệt phương án lắp bom vào khoang chở hàng và chiếc An-26 số 261 được đưa vào cải tiến đầu tiên”, đại tá Nguyễn Thanh Lâm cho biết vậy và trầm ngâm: “Lần đầu tiên biến đổi công năng hệ máy bay vận tải XHCN thành ném bom của tư bản. Chỉ sợ bom Mỹ không tương thích với máy bay Liên Xô. Biết là có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng không còn cách nào khác vì lúc ấy ta hết máy bay ném bom, trong khi yêu cầu của chiến trường đòi hỏi cấp bách”.

Đánh Fulro, diệt Polpot

Từ năm 1981 - 1984, tàn quân Fulro ở Tây nguyên bị truy quét mạnh nên rút vào vùng rừng núi hiểm trở, lập căn cứ hoạt động, câu kết với tàn quân Khmer Đỏ phá hoại ta. Lực lượng bộ binh đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể truy quét tiêu diệt triệt để. Đầu tháng 3.1984, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho không quân sử dụng máy bay ném bom của trung đoàn 918 chi viện cho bộ binh quân khu 5 đánh phá căn cứ Fulro.

Thời điểm đầu 1984, các phi công An-26 đã qua thực hành ném bom, có trình độ bay chiến đấu trong đội hình 6-9-12 chiếc ban ngày. Sáng 9.3.1984, biên đội 8 máy bay An-26 (7 chiếc mang bom trực tiếp đánh phá mục tiêu, chiếc thứ 8 chuyển tiếp liên lạc trên không) của trung đoàn 918 do trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hiển trực tiếp chỉ huy đã cất cánh từ Tân Sơn Nhất đến mục tiêu, thả bom diệt gọn căn cứ Fulro.

Từ mùa mưa 1980, quân tình nguyện Việt Nam mở nhiều đợt truy quét tàn quân Khmer Đỏ. Các trận đánh đã làm tăng nhanh số thương binh nặng nên Bộ quốc phòng yêu cầu dùng máy bay An-26 vận chuyển thương binh từ Campuchia về sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và chở quân tình nguyện sang Campuchia. Trung đoàn 918 đã tổ chức bay 2 - 4 chuyến/tuần, góp phần cứu chữa hàng nghìn thương bệnh binh, làm giảm thương vong đáng kể và bổ sung quân số kịp thời cho các mặt trận

Lữ đoàn 918, QCPKKQ

 

 

 

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 7

Lãnh đạo chỉ huy trung đoàn 918 nhận nhiệm vụ trước chiến dịch mùa khô 1984; Tư liệu. MAI THANH HẢI

Từ chiến thắng trận đầu của máy bay An-26, trong tháng 3.1984, các biên đội An-26 của trung đoàn 918 đã đánh bom các căn cứ Fulro ở mặt trận 579, xóa sổ sư đoàn 920 Khmer Đỏ, căn cứ đầu não của quân khu Đông bắc tại rừng núi tỉnh Kratié, tây bắc Biển Hồ, Kampong Thom...

Trong suốt thời gian quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, máy bay An-26 của trung đoàn 918 không chỉ chuyển quân, cứu thương, chở vũ khí, trang thiết bị... mà còn đánh bom phá MK-81 và bom bi CBU tiêu diệt nhiều căn cứ đầu não, triệt phá các nguồn dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm của quân Khmer Đỏ.

Đại tá Nguyễn Anh Sơn, nguyên chủ nhiệm bay của lữ đoàn 918 kể: Rất nhiều lần An-26 đánh vào khu vực Núi Chi - vùng rừng núi hiểm trở gần biên giới Thái Lan, nơi Khmer Đỏ xây dựng tuyến phòng thủ khá vững chắc từ tháng 1.1979 và tổ chức khai thác vàng lấy tiền mua vũ khí. Ngày 27.4.1984, trung đoàn 918 sử dụng 4 máy bay An-26 bay từ Biên Hòa thả bom, phá hủy căn cứ. Khmer Đỏ ngưng trệ một thời gian và tháng 9.1985 chúng từng bước tổ chức lại việc khai thác và xây dựng Núi Chi thành căn cứ lớn. Sáng 22.9.1985, biên đội 4 chiếc An-26 mang bom MK-81, bom bi CBU-49 bay theo đường Biên Hòa - Krache - Cù Lao Preng, đánh bom vào Núi Chi từ độ cao 3.500 m. Ngay sau khi An-26 đánh bom, bộ binh Quân khu 7 ồ ạt tiến công làm chủ trận địa.

Chiến binh bầu trời - Kỳ 1: Máy bay vận tải ném bom - ảnh 9

Vận chuyển thương binh từ chiến trường Campuchia về Việt Nam bằng máy bay vận tải quân sự của trung đoàn 918 (nay là lữ đoàn 918, quân chủng PKKQ); Tư liệu. MAI THANH HẢI

“Có lần ném, giá bom bi CBU bằng gỗ rơi theo, làm ảnh hưởng một số bộ phận sau đuôi. Chuyên gia qua kiểm tra sau khi chấn chỉnh, lắc đầu: Chỉ bộ đội Việt Nam mới làm được điều này”, thượng tá Nguyễn Chí Cự kể lại và trầm giọng: “Ngày 11.2.1982, chuyến bay An-26 từ Pochentong (Phnom Penh, Campuchia) về Tân Sơn Nhất bị lạc đường, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sườn đồi gần thị trấn Sakeo, cách biên giới Thái Lan - Campuchia khoảng 30 km. Do tiếp đất mạnh, phi công Hoàng Văn Khải bị thương nặng và hy sinh. 99 ngày sau, phía Thái Lan mới trao trả 4 phi công - nhân viên bay và bình tro cốt của anh Hoàng Văn Khải”…

Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên phó tư lệnh bộ đội biên phòng nhớ lại thời điểm làm nhiệm vụ quốc tế cùng trung đoàn 8 biên phòng ở tỉnh Pailin, Campuchia những năm 1979 – 1988: “Những trận đánh bom của không quân vận tải là nỗi khiếp sợ của lính Polpot và cứ thấy máy bay vận tải  An-26 là chúng bỏ chạy, gọi đó là... B52 của quân đội Việt Nam”..

Đón xem Kỳ 2: Tiếp ứng Trường Sa

Trong sự kiện 14.3.1988, ít ai biết có 1 chuyến bay cảm tử bằng máy bay vận tải An-26 ra Trường Sa, thả hàng cấp cứu cho thương bệnh binh vừa tham gia chiến đấu...

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.