55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa
10 Tháng Bảy 2021 9:13 CH GMT+7
Không chỉ tuần tiễu, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, các tàu hộ vệ săn ngầm của Lữ đoàn 171 còn làm nhiệm vụ xua đuổi tàu nước ngoài, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, thềm lục địa...

“Không chỉ tuần tiễu, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, các tàu hộ vệ săn ngầm chúng tôi còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thậm chí là chở đoàn công tác đi làm việc” , thượng tá Bùi Văn Bền (Chính ủy Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) kể như vậy.

Tàu của Lữ đoàn 171 trực bảo vệ bãi Phúc Tần, năm 2008. /// Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu của Lữ đoàn 171 trực bảo vệ bãi Phúc Tần, năm 2008. ẢNH: MAI THANH HẢI

Kiên cường DK1

Ngay đầu tháng 1.1988, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương giao nhiệm vụ đóng giữ bảo vệ thềm lục địa phía Nam: Đoàn 129 khảo sát các bãi ngầm và hướng dẫn cho Lữ đoàn 171 đến đóng giữ - bảo vệ; Lữ đoàn 171 đưa tàu và pông tông ra đóng giữ, bảo vệ các bãi ngầm đã xác định.

Công việc đầu tiên là khảo sát các vị trí, xác định các yếu tố địa lý, thủy văn.

Ngày 6.11.1988, biên đội gồm 2 tàu HQ-713 và HQ-668, do trung tá - Lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa trực tiếp chỉ huy, ra khơi. Hơn 10 ngày hành quân trong điều kiện mưa to gió lớn, máy tàu chưa được bảo dưỡng định kỳ, dụng cụ hàng hải thiếu… nhưng biên đội đã khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng trên 60 km2 để tìm ra địa điểm cần thiết.

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 1

Biên đội tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Lữ đoàn 171 tuần tra bảo vệ lô dầu khí 1A (năm 1990). ẢNH:TƯ LIỆU QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN

20 ngày sau, biên đội tàu HQ-713, HQ-668 của Lữ đoàn 171 (do trung tá Hoàng Kim Nông, Phó lữ đoàn trưởng chính trị chỉ huy) ra bảo vệ bãi ngầm Phúc Tần. Biên đội 2 tàu HQ-727, HQ-723 của Hải đoàn 129 (do trung tá Trần Xuân Vọng, Hải đoàn trưởng chỉ huy), bảo vệ bãi Tư Chính.

Sau đó, lữ đoàn tiếp tục đưa lực lượng ra bảo vệ và đóng giữ bãi Ba Kè, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường… “Đi không biết ngày về. Giữa biển mênh mông, sóng to gió lớn, tàu vật vã lắc lư suốt 24/24. Cuộc sống vật chất thiếu thốn. Tinh thần khổ hơn nhiều”, trung tá Hoàng Kim Nông nhớ lại.

Hơn 6 tháng trời độc lập canh giữ các bãi ngầm, giữa năm 1989 các tàu trực của Lữ đoàn 171 mới được san sẻ nhiệm vụ cho các nhà giàn. Ngày 4.7.1989, tàu HQ-727 chở 16 bộ đội ra chốt giữ bảo vệ trên nhà giàn trạm Tư Chính. Ngày 5.7.1989, tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 được thành lập (tháng 3.2009, tiểu đoàn DK1 tách khỏi Lữ đoàn 171, về trực thuộc Vùng 2 Hải quân).

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 3

Bộ đội Lữ đoàn 171 huấn luyện thả bom chìm diệt mục tiêu. ẢNH: MAI THANH HẢI

Trong quá trình bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhiều cán bộ chiến sĩ của lữ đoàn đã anh dũng hy sinh, một số nhà giàn bị sụp đổ và tàu trực của Lữ đoàn 171 bị chìm bởi bão lớn…

Xua đuổi tàu thăm dò - khảo sát

“Từ đầu những năm 1990, chúng tôi liên tục tuần tiễu bảo vệ Trường Sa - DK1 và xua đuổi, cản phá tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển, thềm lục địa phía Nam”, thượng tá Bùi Văn Bền, Chính ủy Lữ đoàn 171, cho biết vậy và rành mạch: "Cuối năm 1997, đầu năm 1998, phối hợp với các lực lượng xua đuổi giàn khoan Kantan-3 của Trung Quốc khoan thăm dò trại phép tại lô dầu khí 113 ngoài khơi tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 1998, phối hợp xua đuổi tàu thăm dò 8 của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa - DK1; Đầu năm 1999, Trung Quốc liên tiếp đưa các nhóm tàu nghiên cứu thăm dò, 50 - 60 lần chiếc tàu cá và các tàu khảo sát biển khác xâm phạm chủ quyền Trường Sa và DK1. Hải quân ta phối hợp với không quân tổ chức ngăn cản xua đuổi. Lữ đoàn 171 đã tổ chức 7 đợt/16 lần chiếc tàu bảo vệ chủ quyền, bắt giữ nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm". 

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 5

Tàu HQ-07 của lữ đoàn 171 hành quân đi làm nhiệm vụ bảo vệ dầu khí, năm 1995. ẢNH: TƯ LIỆU QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6.2001, đội hình 5 tàu thăm dò và hàng chục tàu bảo vệ của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta, từ phía Đông đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến phía Đông đảo Phú Quý (Bình Thuận) và khu vực DKI. Từ ngày 20.5.2001, tàu thăm dò 8 của Trung Quốc đã kéo phao thăm dò dọc tuyến Lý Sơn - Cam Ranh - Phú Quý, có nơi chỉ cách bờ biển nước ta khoảng 50 hải lý.

Nhận lệnh của Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 171 đã điều 2 biên đội tàu, phối hợp với các lực lượng khác kiên trì bám trụ, kiên quyết đấu tranh, ngăn cản, xua đuổi các tàu Trung Quốc thăm dò trái phép trong vùng biển ta...

Trong 3 năm (2000 - 2003), các tàu chiến đấu của Lữ đoàn 171 đã tham gia 6 chiến dịch ngăn cản, xua đuổi tàu thuyền Trung Quốc khảo sát trái phép. Tổ chức 7 biên đội tuần tiễu, bắt 4 tàu, 2 xuồng và xua đuổi hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 6

Bảo quản vũ khí chống ngầm trên tàu hộ vệ săn ngầm 13, Lữ đoàn 171 - Vùng 2 Hải quân. ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN

Bảo vệ dầu khí

Với bộ đội Lữ đoàn 171, không chỉ sẵn sàng chiến đấu ở các nhà giàn DK1 mà còn trực tiếp bảo vệ các tàu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam thăm dò các lô dầu khí, ở khu vực đang khai thác dầu mỏ, hỗ trợ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển…

Năm 1981, Liên doanh dầu khí Việt - Xô ra đời và tiến hành thăm dò, khai thác trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam, Lữ đoàn 171 được giao nhiệm vụ bảo vệ khai thác dầu khí và Hải đội 811 chuyên trách việc này. Đây là công việc mới, phức tạp, khó khăn nên việc đầu tiên phải học hỏi kinh nghiệm. “Bộ đội phải chịu đựng khó khăn gian khổ, bám biển, bám giàn khoan, ngăn chặn các hành động uy hiếp của đối phương và xua đuổi các tàu thuyền lạ xâm nhập”, ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 7

Tàu 18 của Lữ đoàn 171 bảo vệ nhà giàn DK1/16 (tháng 4.2021). ẢNH: MAI THANH HẢI

Từ năm 1982 - 1985, số lượng giàn khoan ngày càng tăng, phạm vi hoạt động rộng, nhu cầu bảo vệ lớn nên số lần hoạt động trên biển của các tàu cũng tăng hơn 20 lần. Trong khi bảo vệ dầu khí, các tàu của Lữ đoàn 171 đã bắt hơn 10 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển… Điển hình như tàu HQ-662 mưu trí bắt 3 tàu cá Trung Quốc, thu toàn bộ tang vật. 

55 năm, bộ đội chống ngầm - Kỳ 4: Canh giữ thềm lục địa - ảnh 9

Tháng 5.2020, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đến thăm, làm việc với cán bộ chiến sĩ tàu hộ vệ săn ngầm 13 của Lữ đoàn 171, Vùng 2 hải quân. ẢNH: MAI THANH HẢI

Thời điểm 1987 - 1988, căng thẳng ở Trường Sa, số tàu trực bảo vệ dầu khí có lúc lên đến 6 chiếc. “Cùng địa bàn hoạt động, các đơn vị dầu khí và cảng biển sử dụng tàu hiện đại, trọng tải lớn và khả năng chịu đựng sóng gió tốt hơn. Nhưng khi có bão, các tàu to được rút về, trong khi tàu của Lữ đoàn 171 trọng tải thấp, công suất nhỏ, phải oằn mình giữa những cơn sóng để bảo vệ giàn khoan”,  trung tá Hoàng Kim Nông cười kể lại. (còn tiếp)

Theo thanhnien.vn

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.