Trĩu nặng đồng tiền thương khó
20 Tháng Sáu 2014 5:51 SA GMT+7
“Bữa đó vui mà tui khóc”, “Đàn ông cưỡi sóng đạp gió như tui mà cũng rớt nước mắt”, “Em quen chịu đựng rồi, vậy mà hôm đó lại khóc bù lu bù loa lên”...

Đã có nhiều lời thú nhận như vậy của những người nhận hỗ trợ vốn từ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.

 

Ngư dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) chuẩn bị cho chuyến ra khơi - Ảnh: Mỹ Trâm

Ấy là khi họ nhắc về những bạn đọc báo Tuổi Trẻ qua đoạn phim được trình chiếu trong những buổi lễ hỗ trợ vốn: hình ảnh những em bé nâng niu con heo đất rồi bỗng đập “bốp” xuống đất, vuốt thẳng thớm từng tờ 2.000 đồng, 5.000 đồng; hình ảnh chị Quý nhặt từng vỏ chai nhựa, từng tấm bìa cactông; hình ảnh những cụ già mang theo cuốn sổ hưu trí, những người con mang theo sổ tang của cha mẹ mình... đến đóng góp vào chương trình.

Từ áy náy tới yên tâm

 

"5 triệu đồng với tui cũng là lớn, cầm cũng sướng tay, hơn nhiều những chuyến tàu cứ đi hoài mà biển đói. Nhưng rồi xem đoạn clip được trình chiếu thấy... hết sướng mà muốn rớt nước mắt. Đồng tiền ấy lớn như vậy, nặng nghĩa như vậy, tui nhận mà áy náy quá..."

Anh NGUYỄN NGỌC SUNG 
(thuyền viên QNa 91559

Ngồi bên đống lưới đang được mấy chị cặm cụi vá những chỗ rách, bên chiếc tàu QNa 91559 đang được cưa gỗ đắp lại chỗ thủng vì bị tàu sắt Trung Quốc đâm, bữa họp mặt của các thuyền trưởng, thuyền viên xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) chỉ có đĩa râu mực khô trộn khổ qua làm giòn giã những câu chuyện.

Đều là những người đàn ông vừa cưỡi sóng đạp gió trở về từ Hoàng Sa, đều trải qua một chuyến biển thất bát cá tôm mà dư thừa căng thẳng, nguy hiểm, nhưng suốt câu chuyện chẳng nghe họ kể về những cuộc đấu trí, đấu sức với những chiếc tàu Trung Quốc to lớn, hung hãn. Họ chỉ kể khoản tiền 5 triệu đồng vừa nhận được từ các bạn đọc báo Tuổi Trẻ. “5 triệu đồng ít thì không phải ít với cuộc sống xã đảo, nhiều cũng không phải nhiều nếu so với những khoản tổn (phí tổn - PV) phải đầu tư cho một chuyến biển, nhưng nguồn động viên tinh thần là không thể nói hết được” - ông Ngô Ri, thuyền trưởng tàu QNa 91559, trầm ngâm.

Ông Nguyễn Đức Nghiệp, thuyền trưởng tàu QNa 90747, nói rất nghiêm túc: “Không cần phải nói ai cũng biết, đi biển bây giờ lo lắng nhiều hơn hứng khởi. Đánh bắt con cá đã khó, mang về bờ bán càng khó hơn. Nghề đi biển vốn đơn độc, về bờ lại càng ngơ ngác. Thời gian sau này có được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, giờ lại được sự giúp đỡ của cả các em bé, những người nghèo khó có khi chưa được thấy biển một lần, chúng tôi cảm động lắm và cũng yên tâm hơn, vững lòng hơn”.

“Yên tâm hơn, vững lòng hơn” cũng là ý mà chị Đặng Thị Phúc Thùy lúng túng mãi mới nói được với chúng tôi thay lời chồng là anh Mai Văn Diệp, kiểm ngư viên trên tàu KN 629. Từ đầu tháng 5 đến nay, anh Diệp chỉ mới về nhà được một ngày rưỡi rồi lại ra khơi, chưa hề biết nhà mình mới có thêm một tài sản giá trị nhất là cuốn sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng do bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ.

“Trước đây anh ấy đi biển làm nhiệm vụ, tôi ở nhà đi làm, xa cách nhưng không có vấn đề gì. Hơn một năm nay tôi phát bệnh (chị Thùy bị ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật cắt khối u và xạ trị hai lần - PV) khiến anh lo lắng mỗi khi ra đi. Hai tháng nay lại thêm vụ căng thẳng ngoài biển, anh ấy đi tôi càng lo thêm. Trước khi vào đơn vị tập trung, lúc nào anh cũng dặn dò đủ thứ rồi chạy quanh bạn bè, dặn vợ có làm sao, mình có làm sao thì anh em lo giúp...” - chị Thùy kể. Mân mê cuốn sổ tiết kiệm, cúi xuống giấu nước mắt, chị Thùy nói: “Vì bệnh mà tôi phải nghỉ làm (trước đây chị Thùy làm kế toán ở một ngân hàng - PV), cuộc sống, trị bệnh đều phải phụ thuộc vào lương chồng, vừa trả tiền thuê nhà vừa ăn uống, thuốc thang, học phí, sữa bánh cho con, phụ giúp cha mẹ. Có được khoản tiết kiệm, biết đây là tiền của bao nhiêu người vất vả, chắt chiu đóng góp cho mình, làm sao dám tiêu xài. Cất đó, lỡ có sự cố còn có cái để xoay xở, tôi yên tâm hơn và chắc anh ấy cũng vậy” - chị Thùy thì thầm.

Từ yên tâm tới áy náy

Đồng tiền thương khó ấy không chỉ nặng trĩu trên tay những người được chọn làm đối tượng thụ hưởng của chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, mà còn trĩu nặng trong tâm trí những người làm báo chúng tôi, những người được chọn để làm công việc kết nối, chuyển giao, gửi gắm. Nó đòi hỏi những tìm hiểu, những thấu hiểu, những ý tưởng, những hành động, làm sao để những “đồng tiền thương khó” này được biến thành tinh thần, thành sức mạnh, thành chỗ dựa, thành thành lũy bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ đất nước.

Trợ vốn, tặng thuyền thúng cho ngư dân. Chưa đủ. Tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ trực tiếp kiểm ngư viên, cảnh sát biển. Chưa đủ. Đóng xuồng cao tốc, mua trang thiết bị liên lạc, ghi hình ảnh hiện đại. Chưa đủ... Một cuốn “sổ tay đi biển” để cung cấp các kiến thức khoa học cần thiết nhất cho ngư dân bằng ngôn ngữ sinh động, dễ hiểu nhất đang được soạn thảo. Những khảo sát để giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn đóng tàu thép, tàu composite, công nghệ đánh bắt cá hiện đại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng đang được thúc đẩy...

Cũng vẫn cứ chưa đủ. Mỗi lần triển khai chương trình, ý tưởng mới, tưởng như đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng càng đi, càng nói chuyện với ngư dân, càng thấy mắc nợ họ mỗi khi gắp một miếng cá, bởi dường như song song với việc tự hào về bờ biển dài 3.200km thì mỗi người chúng ta đã lãng quên những vấn đề của biển quá lâu.

Như câu chuyện từ lời than thở của ông Phạm Bá Hẹn (thuyền trưởng tàu QNa 90178): “Bắt được con cá từ mấy trăm hải lý mang về bờ, giá hạ sát đáy, chua xót biết làm sao. Ngày trước đánh 4 tấn cá là đủ “tiền tổn”, giờ phải 10 tấn mới đủ. Và như vậy, mỗi chuyến phải đánh từ 15-20 tấn anh em bạn mới có tiền chia nhau. Mà ở biển một ngày, nguy hiểm một ngày. Giá như Nhà nước hỗ trợ được chúng tôi khâu bảo quản sản phẩm, ổn định đầu ra thì yên tâm biết mấy”.

Ở phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM, những đồng tiền thương khó của bạn đọc vẫn đang được gửi đến mỗi ngày và mỗi ngày càng như nặng hơn, đòi hỏi hơn...

PHẠM VŨ

 

Mọi đóng góp, bạn đọc có thể thông qua:

* Chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”, với cú pháp BD gửi 1409 sẽ chính thức bắt đầu từ 0g ngày 19-5 (18.000 đồng/tin nhắn).

* "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" qua cổng thanh toán Tuổi Trẻ

* Tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại 14 Văn phòng đại diện, thường trú của báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ qua điện thoại: (08) 39973838 gặp Ban công tác xã hội hoặc qua mail: congtacxahoi@tuoitre.com.vn

Hoặc thông qua tài khoản:

+ Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM

Số tài khoản: 102010000118248 (Việt Nam đồng).

Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ:

+ Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Swift code: BFTVVNVX007

Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ Chương trình “Chung sức giữ vững chủ quyền biển Đông”. 

 

Theo TTO

____________________________
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
Bullet  
 

Quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối

Quá trình thụ đắc lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa được Việt Nam thực hiện bằng phương thức chiếm hữu thực sự, hoàn toàn hợp pháp. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh hòa bình vì quyền thụ đắc lãnh thổ tuyệt đối này.
CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ TẠI BIỂN ĐÔNG: Bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông - Thách thức đầy rẫy và 'mỏ neo' quý giá (Kỳ 1)
Vấn đề xác lập, bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông (phần 3)
Cẩn thận yêu sách chủ quyền lịch sử- bẫy pháp lý Trung Quốc ở Biển Đông (phần 2)
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài cuối: Việt Nam thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm

Tháng 8/2021, trong bài phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất nhằm thống nhất hành động toàn cầu để ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh biển, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, củng cố lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 3: Tạo dựng lòng tin để thúc đẩy COC
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 2: Nền móng thiết lập trật tự quốc tế mới trên biển
Xây dựng những vùng biển hòa bình - Bài 1: Cột mốc quan trọng của luật pháp quốc tế
Sách tranh cho các bé: 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Hành trình phiêu lưu kỳ thú của chú cún Phong Ba ở đảo Trường Sa đã thu hút nhiều bạn nhỏ và cả ba mẹ đến theo dõi trong buổi ra mắt quyển sách tranh thiếu nhi 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'.
Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa
Giải B Sách Quốc gia: Sách quý về quần đảo Trường Sa
"Bức họa Trường Sa"
 

 

Dự án thông tin về Biển Đông của Vietnam Bussines Consulting
Email: vnsea@mail.ru
Ghi rõ nguồn www.vnsea.net khi phát hành lại thông tin từ website này
Информационный портал VBC об Южно-Китайском море.
Copyright © 2012 Vnsea. Все права защищены.