Tàu Trung Quốc (trắng) áp sát bên mạn để tìm cách phun vòi rồng vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ngay trong vùng biển của Việt Nam - Ảnh: Độc Lập
|
Để làm giảm rủi ro bùng nổ xung đột trong khu vực, các nước thành viên ASEAN nên đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC), Giáo sư Arase đề xuất.
Được biết, Malaysia sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN vào năm 2015.
“Malaysia đang ở vị thế có thể phát huy vai trò lãnh đạo của mình. Nước này có thể dùng kinh nghiệm và nguồn lực để thúc đẩy thảo luận thiết lập COC”, ông Arase phát biểu tại một hội nghị ở Viện Hàng hải Malaysia.
Vị giáo sư này cũng nhận định động thái Trung Quốc đem giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, cũng như vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, là đáng lo ngại.
“Trong tình hình hiện tại, không khó để hình dung ra một cuộc xung đột nơi tiếng súng sẽ vang lên và sẽ có người bị thương trước khi mọi thứ vượt ngoài vòng kiểm soát”, ông Arase cho hay.
“Vì thế với COC, bạn có thể có trong tay quy định để giải tỏa xung đột khi tình huống này xảy ra. Các bên liên quan có thể dựa theo các quy định để đàm phán và dàn xếp với nhau”, ông Arase bổ sung.
Tuy nhiên, Giáo sư Arase cũng nói rõ rằng COC không phải là cơ chế để chỉ ra ai đúng, ai sai, mà là một cách thức để các nước tránh xung đột vũ trang.
Ông còn nói thêm rằng Trung Quốc xem biển Đông như một khu vực chiến lược mà nước này đang muốn kiểm soát vì lợi ích an ninh của riêng mình.
Nhưng các học giả và thậm chí là các quan chức chính phủ Trung Quốc có lẽ vẫn chưa thể giải thích được chính xác quần đảo hay vùng biển nào là của họ, vì bản thân họ cũng không rõ, giáo sư Arase cho hay.
“Mặc dù rất quả quyết, nhưng Trung Quốc vẫn chưa làm rõ được toàn bộ các chi tiết (về tuyên bố chủ quyền ngang ngược tại biển Đông). Do đó, đây là cơ hội lớn cho các nước trong khu vực lên tiếng”, ông Arase phân tích.
“ASEAN cần phải đáp trả, chất vấn và làm rõ (tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc)”, vị giáo sư này đề xuất.
Hoàng Uy
Theo TNO