Trả lời phỏng vấn Reuters ngày 02/03, ông Obama chỉ trích những quy định về công nghệ của Bắc Kinh. (Trong ảnh) Tổng thống Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2014.
Theo dự luật mà nội dung đã được Trung Quốc tiết lộ gần đây và sẽ được thông qua trong năm nay, các công ty công nghệ khi thiết lập hệ thống bảo vệ dữ liệu khách hàng phải tạo “cửa hậu” cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập bất cứ lúc nào.
Dự luật này đã lập tức gây lo ngại ở Mỹ. Ngày 02/02, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai phản đối, bày tỏ thái độ quan ngại của Washington. Ông Obama còn xác nhận là đã đích thân nêu bật vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Obama khẳng định rằng nước Mỹ "đã nói rất rõ ràng rằng đó là một điều (mà người Trung Quốc) phải thay đổi nếu muốn tiếp tục làm ăn với Mỹ" trong lĩnh vực này.
Một ngày sau, Bắc Kinh đã phản pháo, cho rằng bộ luật mới đó mang tính chất hoàn toàn nội bộ của Trung Quốc, và cần thiết để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt là tại vùng Tân Cương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định: "Bộ luật này thuộc pham vi công việc nội bộ của Trung Quốc". Bà đồng thời kêu gọi Washington "xem xét lại văn bản bộ luật một cách chính xác và khách quan." Với một giọng điệu gay gắt, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc mỉa mai: "Mới cách đây không lâu, có tin cho biết là một số quốc gia nào đó đã cài đặt chương trình của mình vào sản phẩm của một nhà sản xuất thẻ SIM điện thoại với ý đồ hoạt động gián điệp".
Lời ám chỉ nhắm vào Mỹ quả là rõ ràng. Gemalto, nhà sản xuất thẻ SIM của Pháp, vốn tự nhận là đứng đầu thế giới trong lĩnh vực "bảo mật kỹ thuật số", đã xác nhận hôm 25/02 là họ đã bị nhiều cuộc "tấn công tinh vi" trong năm 2010 và 2011.
Theo báo mạng chuyên về điều tra The Intercept, dựa trên tài liệu do cựu nhân viên NSA Edward Snowden tiết lộ, các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã từng đánh cắp các chìa khóa mật mã, cho phép họ kiểm soát một số lượng lớn các thẻ SIM điện thoại để theo dõi các cuộc nói chuyện.
Dự luật chống khủng bố trên của Trung Quốc chỉ là diễn biến mới nhất trong số những hoạt động bảo vệ ngành công nghệ thông tin trong nước. Gần đây, Bắc Kinh liên tục đưa ra các điều chỉnh chính sách mà theo giới quan sát là nhằm gây khó dễ cho các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ mà nạn nhân hàng đầu là các tập đoàn lớn của Mỹ. Báo chí Mỹ đặt câu hỏi liệu có phải đó là sự cảnh giác chính đáng hay đơn giản chỉ là chủ nghĩa bảo hộ trá hình?
Chẳng hạn hồi cuối tháng 01/2015, Bắc Kinh ra quy định mới yêu cầu các công ty bán thiết bị tin học cho các ngân hàng Trung Quốc phải giao mã nguồn của hệ thống máy tính. Đây là điều không phù hợp với nguyên tắc bản quyền sở hữu trí tuệ. Hay có những quy định buộc các nhà cung cấp thiết bị mở trung tâm nghiên cứu và phát triển trên lĩnh thổ Trung Quốc…. Cần nhắc lại rằng gần đây hàng loạt các công ty nước ngoài đã phải nộp phạt hàng tỷ USD vì bị quy kết vi phạm quy định cạnh tranh.
Nguyên nhân sâu xa của các quy định như vậy, theo các chuyên gia, là Bắc Kinh muốn co hẹp thị trường công nghệ thông tin của các công ty nước ngoài để dành thị phần cho các công ty Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh sau nhiều năm nằm trong bóng các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhưng lý do chính quyền đưa ra là để đối phó với hiện tượng gián điệp thông tin của Mỹ mà vụ Edward Snowden là điển hình. Người Trung Quốc cũng đưa ra lập luận rằng các công ty tin học của Trung Quốc như Hoa Vi cũng từng bị làm khó trong các dự án trên đất Mỹ thì ngược lại những gì đang diễn ra với các công ty Mỹ ở Trung Quốc hiện nay cũng là điều dễ hiểu.
Các nhà phân tích nhận định đây chẳng qua là một hình thức bảo hộ mà nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin cao cấp thì chẳng cứ gì Trung Quốc, các nước như Mỹ, Anh, Pháp đều có biện pháp, có điều cách làm của họ kín đáo hơn.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Theo Petrotimes