Sáng ngày 08/03/2014, chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur, Malaysia, lúc 0h41 để đến Bắc Kinh, Trung Quốc, đã đột ngột mất tích.
Theo Hãng hàng không Malaysia Airlines, các trung tâm kiểm soát không lưu mặt đất đã mất liên lạc với chuyến bay này khoảng 1 tiếng sau khi cất cánh. Lúc này, tín hiệu radar cho thấy máy bay đã ở gần vùng kiểm soát không lưu (FIR) của thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Ban đầu, màn hình tại sân bay quốc tế Bắc Kinh hiển thị một thông báo cho biết chuyến bay MH370 sẽ bị “chậm giờ”. Tuy nhiên, trên thực tế, Malaysia Airlines xác nhận chuyến bay có tổng cộng 239 người, trong đó có 154 người Trung Quốc, 73 người nước ngoài và 12 nhân viên phi hành đoàn này đã mất tích.
Vụ mất tích chuyến bay MH370 đến nay vẫn là một bí ẩn lớn
Ngay sau khi nhận được thông tin chuyến bay MH370 mất tích, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Chiếc máy bay dân dụng Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh lúc 16h42 GMT ngày 07/03, dự kiến chuyển giao việc kiểm soát không lưu (dẫn đường) cho FIR Hồ Chí Minh lúc 17h22 GMT (tức 00h22 giờ Hà Nội ngày 08/03/2014).
Nhưng, trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút thì đã mất toàn bộ liên lạc, cũng như tín hiệu radar và không xác định chính xác được vị trí máy bay. Khu vực máy bay mất tín hiệu lần cuối cùng lúc chuẩn bị chuyển giao là khu vực không phận thuộc đảo Thổ Chu, của tỉnh Kiên Giang.
Ngay sau đó, một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn đã được triển khai với sự tham gia của nhiều nước với hàng chục tàu chiến và hàng chục máy bay, trong đó có Malaysia, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines… Việt Nam cũng triển khai nhiều máy bay và tàu chiến của không quân và hải quân tích cực tham gia chiến dịch tìm kiếm này.
Ban đầu, chiến dịch tìm kiếm được thực hiện ở vùng biển nam Việt Nam, nơi máy bay mất tín hiệu, sau đó được mở rộng ra toàn bộ vùng biển nam Biển Đông, Vịnh Thái Lan, rồi đến eo biển Malacca, sang biển Andaman, Ấn Độ Dương, và xuống đến tận nam Ấn Độ Dương, nhưng kết quả tìm kiếm vẫn chỉ là phát hiện được những vật thể lạ nghi là mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số này.
Khu vực tìm kiếm MH370 được mở rộng xuống tận nam Ấn Độ Dương
Về nguyên nhân mất tích, hôm 11/03/2014, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói rằng không nên loại trừ khả năng khủng bố trong vụ máy bay của Malaysia Airlines (MAS) mất tích. Ông cho rằng đã có "một vài lời nhận trách nhiệm (khủng bố)" trong vụ máy bay của Malaysia Airlines mất tích, dù "khả năng này chưa được xác thực hay kiểm chứng".
Trong khi đó, cảnh sát Malaysia cho rằng, 2 trong số các hành khách mất tích đã lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp của một công dân Italia và một công dân Áo.
Một trong hai người là công dân Iran 19 tuổi có tên Pouria Nour Mohammad Mehrdad, mà theo cảnh sát thì anh này chỉ định quá cảnh tại Bắc Kinh trên hành trình tới Frankfurt, Đức tìm cách cư trú, đã lên máy bay bằng hộ chiếu mang tên công dân Áo Christian Kozel, người đã thông báo rằng mình bị mất hộ chiếu tại Phuket, Thái Lan.
Còn công dân Italia có tên Luigi Maraldi, 37 tuổi, sinh tại Cesena, lẽ ra cũng có tên trong chuyến bay song đã không lên máy bay này mà đã lên máy bay tới Thái Lan. Cảnh sát Thái Lan đã cung cấp thông tin cho biết một người Iran khác có tên "Mr Ali" có thể đã mua hộ chiếu từ một đường dây đưa người đi cư trú tại châu Âu. Tuy nhiên, không có thông tin nào xác nhận chuyến bay này bị khống chế hoặc khủng bố.
Vụ mất tích bí ẩn của MH370 làm dấy lên nhiều nhận định khác nhau về nơi máy bay gặp nạn. Ngày 24/03/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak dẫn một phân tích mới về các dữ liệu vệ tinh của một hãng vệ tinh Anh và các nhân viên điều tra tuyên bố chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị rơi ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Sau đó một tuần, Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng khẳng định rằng mọi bằng chứng đều cho thấy chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã lạc đường và rơi xuống Ấn Độ Dương. Thậm chí đã có thông tin chiếc máy bay bị Taliban khống chế hạ cánh xuống lãnh thổ do họ kiểm soát ở Pakistan… Tuy nhiên, hiện chiếc máy bay cùng toàn bộ 239 nạn nhân nằm tại đâu vẫn là một bí ẩn lớn.
Người thân cầu nguyện cho các nạn nhân máy bay MH370
Thảm kịch MH370 đã để lại cho bao người thân các nạn nhân nỗi đau đớn tột cùng về sự ra đi mãi mãi của họ. Nhưng có lẽ nỗi đau càng lớn hơn khi mà đã một năm trôi qua mà họ vẫn không nhận được thông tin chính thức nào về nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay và người thân của họ hiện đang ở đâu. Họ yêu cầu một lời giải thích đầy đủ từ phía hãng hàng không và chính phủ Malaysia, nhưng để nhận được một câu trả lời đầy đủ và chính xác có thể sẽ cần phải có rất nhiều thời gian nữa.
Cuối tháng 01/2015, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm MH370 không thành, Malaysia đã chính thức tuyên bố vụ mất tích của chuyến bay MH370 là một "tai nạn" và toàn bộ 239 người trên khoang đã thiệt mạng. "Chúng tôi chính thức tuyên bố vụ việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines là một tai nạn... và toàn bộ 239 hành khách cùng tổ bay trên MH370 được coi như đã thiệt mạng", Reuters dẫn lời ông Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia (DCA), cho biết trong một thông báo.
Ngày 01/03/2015, Phó thủ tướng Australia Warren Truss nói không thể kéo dài mãi việc tìm kiếm MH370. Tính đến nay, chi phí tìm kiếm MH370 ước tính khoảng 40,5 triệu USD, Australia và Malaysia đang cùng chia sẻ chi phí này.
Đây được xem là cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Chính vì thế, Canberra và Bắc Kinh, Kuala Lumpur đang bàn bạc để đi đến quyết định ngừng tìm kiếm MH370. Nhưng để đi đến quyết định này cũng sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn trước áp lực từ phía người thân khi mà họ vẫn chưa thể biết con em mình hiện đang nằm tại đâu trên cái thế giới nhỏ bé này, và thậm chí họ vẫn hy vọng vào những điều thần kỳ nhất cho dù quá mong manh.
Theo ANTĐ