LTS: Năm 2016 được xem là một năm có nhiều dấu mốc quan trọng của khu vực và thế giới. Trong số những dấu mốc quan trọng đó không thể không kể tới phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là PCA) về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình Biển Đông năm 2016 cũng đã bị tác động bởi sự điều chỉnh chính sách của Philippines sau khi ông Duterte được bầu làm Tổng thống của Philippines.
Những diễn biến trên thực địa tại Biển Đông năm 2016 tuy không quá ồn ào, thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng lại đang tạo ra một sự thay đổi lớn tác động tới cục diện chính trị khu vực.
Để có cái nhìn lại tổng quan về những diễn biến trong tranh chấp Biển Đông năm 2016 và có những dự báo mới trong năm 2017, biên tập viên của VOV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.
|
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương trao đổi tại phòng thu của VOV. |
Phán quyết của PCA - Bước ngoặt quan trọng về tranh chấp Biển Đông
BTV: Thưa Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, chắc rằng khi nói đến tình hình Biển Đông năm 2016 thì phán quyết của PCA sẽ luôn được nhắc đến như một sự kiện nổi bật. Ông có thể thông tin ngắn gọn về nội dung của vụ kiện cũng như phán quyết của Tòa?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị là: phán quyết của PCA ngày 12/7/2016 là một bước ngoặt quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Xung quanh vụ Philippines kiện Trung Quốc có mấy vấn đề tôi muốn làm rõ. Một là tại sao Philippines kiện Trung Quốc? Thứ hai là Philippines kiện vấn đề gì? Thứ bà là nội dung cơ bản của PCA trong phán quyết được đưa ra vào ngày 12/7/2016 vừa rồi.
Về vấn đề tại sao Philippines lại kiện Trung Quốc. Thông thường, trên hành tinh này, tranh chấp chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thường giải quyết ban đầu bằng thương lượng song phương, đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây là phương pháp được Liên Hợp Quốc khuyến khích, yêu cầu mọi thành viên Liên Hợp Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trong điều kiện nếu như thương thảo dựa trên luật pháp quốc tế không có khả năng giải quyết được vấn đề thì các bên tranh chấp có thể đưa nhau ra Tòa án quốc tế, nhờ bên thứ ba - thông thường là Tòa án quốc tế để xử kiện.
Trong trường hợp cụ thể về tranh chấp ở Biển Đông, trong hàng chục năm qua, Philippines đã thương thảo song phương với Trung Quốc. Tuy nhiên đến tháng 7, tháng 8/2012, Tổng thống Benigno Aquino III cảm thấy rằng, tiếp tục đối thoại song phương không có kết quả. Chính vì vậy, Tổng thống Benigno Aquino III đã quyết định kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục 7, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Về nội dung, trong các đệ trình của Philippines lên Tòa Trọng tài, có 15 điểm kiện Trung Quốc. Sau khi xem xét, căn cứ vào điều 288, điều 9 của Phụ lục 7 và điều 298 Công ước, Tòa Trọng tài quyết định thụ lý 7/15 điểm mà Philippines đệ trình.
Cả 7 điểm mà Tòa Trọng tài thụ lý đều không phải liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên biển mà 7 điểm này liên quan đến cách giải thích và áp dụng Công ước. Nếu như tranh chấp chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước thì hoàn toàn nằm trong tư cách pháp nhân và quyền hạn của Tòa Trọng tài.
Vấn đề thứ ba, ngày 12/7/2016 vừa qua, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng dày 497 trang, trong đấy có 2 điểm cơ bản nhất.
Điểm thứ nhất: căn cứ vào hồ sơ pháp lý, căn cứ vào tài liệu lịch sử và hiện trạng hiện nay của Philippines, Tòa đưa ra kết luận, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn mà ta thường gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò. Tòa đã bác bỏ toàn bộ các yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với tài nguyên trong đường lưỡi bò, đường 9 đoạn.
Điểm thứ hai: địa vị pháp lý của các đảo mà ta hay gọi là Trường Sa. Thực chất, đây được gọi là các địa vật. Ở Trường Sa có 43 địa vật. Căn cứ theo điều 13 và điều 121 của Công ước, Tòa trọng tài kết luận rằng, 43 địa vật ở Trường Sa, tất cả đều thuộc loại nửa chìm, nửa nổi (khi thủy triều lên thì chìm dưới nước, khi thủy triều xuống thì nổi trên mặt dưới); hoặc là đá (thủy triều lên bao nhiêu vẫn nổi). Không có một địa vật nào được xác định là đảo.
Nếu như các địa vật muốn đạt tiêu chuẩn đảo thì phải đạt hai điều kiện: một là khi thủy triều lên cao bao nhiêu cũng nổi mặt nước; hai là có đầy đủ điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Phán quyết thứ hai của Tòa nói về địa vị pháp lý của các địa vật ở Trường Sa. Tất cả các địa vật ở Trường Sa đều thuộc loại nửa chìm, nửa nổi hoặc là đá, kể cả 7 đảo Trung Quốc bồi đắp nhân tạo trong năm 2014 - 2015. Điều này có nghĩa là giải phóng một vùng rộng lớn khoảng hàng trăm ngàn cây số vuông ở Trường Sa. Đây là vùng biển quốc tế mà tất cả các ngư dân các nước đều có quyền đánh cá, không một quốc gia nào có quyền ngăn cấm việc này cả.
|
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. |
Thực địa Biển Đông khó đoán định, phụ thuộc vào thành ý của các bên
BTV: Ông có thể nói cụ thể hơn về ý nghĩa phán quyết này đối với tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như giữa các tranh chấp khác tại Biển Đông hiện nay?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó cung cấp cơ sở pháp lý chắc chắn cho Philippines nói riêng, cho các nước có tranh chấp trên Biển Đông nói chung trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông.
Đây là một căn cứ cơ sở pháp lý chắc chắn. Tòa Trọng tài là một tổ chức tài phán quốc tế của Liên Hợp Quốc, do đó phán quyết của Tòa trọng tài là một cơ sở pháp lý quốc tế chắc chắn. Nó có giá trị như các hệ thống luật pháp quốc tế khác.
Tóm lại, phán quyết của Tòa Trọng tài cung cấp một cơ sở pháp lý chắc chắn nhất cho Philippines nói riêng, cho các nước có tranh chấp trên Biển Đông nói chung trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông. Ý nghĩa quan trọng nhất của nó là như vậy.
BTV: Chúng ta vừa đề cập góc độ pháp lý của vụ kiện. Vậy theo ông, phán quyết này có tác động như thế nào đến các diễn biến trên thực địa tại Biển Đông?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài chắc chắn tác động đến các diễn biến trên thực địa, về vấn đề an ninh và ổn định ở Biển Đông. Vấn đề ở chỗ mức độ tác động, quy mô tác động và tính chất tác động của nó phụ thuộc vào các bên liên quan trong quá trình thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài.
Nếu như các bên liên quan, nhất là Trung Quốc thực thi đầy đủ những điều mà Tòa Trọng tài phán quyết thì chắc chắn Biển Đông sẽ là một vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển mang lợi ích cho tất cả quốc gia trong và ngoài khu vực.
Nếu như các bên liên quan không thực hiện đầy đủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thì chắc chắn diễn biến trên thực địa Biển Đông sẽ diễn ra hết sức phức tạp mà chúng ta chưa thể đoán trước như thế nào được cả.
BTV: Có thính giả đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa được không, cụ thể là kiện về quần đảo Hoàng Sa? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Về vấn đề thính giả hỏi, tôi xin có ý kiến như thế này: trong quá trình đấu tranh giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, chúng ta để ngỏ tất cả các giải pháp.
Đảng và Nhà nước chúng ta kiên trì với giải pháp đàm phán song phương với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng, giải pháp này trong quá trình chúng ta đấu tranh với Trung Quốc cũng đã mang lại kết quả chứ không phải không. Và vì thế, tôi nghĩ rằng giải pháp đấu tranh trao đổi song phương với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế vẫn còn dư địa phát triển và tiếp tục mang lại hiệu quả nên chúng ta vẫn tiếp tục phương án này.
Còn vấn đề có kiện Trung Quốc hay không? Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng ta không loại bỏ một phương thức nào cả. Vấn đề là khi nào kiện và kiện như thế nào đó là việc sau này. Tôi nghĩ rằng, phương pháp đối thoại song phương với Trung Quốc đang có dư địa phát huy hiệu quả và tôi cho rằng, quyết định đối thoại song phương với Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn, là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Xin cảm ơn ông!./.
Phần 2: An ninh, ổn định ở Biển Đông phụ thuộc vào động thái của Trung Quốc