Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal (WSJ) được đăng tải hôm 19/9, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Karl Thomas cho rằng: "Trung Quốc có lực lượng hải quân rất lớn, nếu họ muốn triển khai tàu phong tỏa đảo Đài Loan, họ đủ sức để làm điều đó".
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: USNI).
Theo ông, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân quy mô lớn và hiện đại với nhiều tài quân sự. Hạm đội này đang tiếp tục mở rộng nhanh chóng.
Tuy vậy, ông Thomas nhấn mạnh, ông không biết liệu Trung Quốc có mở chiến dịch quân sự nhằm vào Đài Loan hay tìm cách phong tỏa hòn đảo hay không.
"Nếu họ lựa chọn phương án gián tiếp như bao vây, phong tỏa, thì cộng đồng quốc tế có thể phối hợp đối phó với thách thức đó", ông Thomas cho biết.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng thống nhất bằng mọi cách, kể cả thông qua biện pháp quân sự.
Đài Loan là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều thập niên qua. Tuy không có quan hệ chính thức, nhưng Washington vẫn bán trang thiết bị quân sự cho đảo Đài Loan. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng 8 đã đến hòn đảo bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vẫn tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc". Tuy nhiên, ông Biden cũng tuyên bố, lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị tấn công.
Bắc Kinh lập tức phản bác tuyên bố của Washington, đồng thời cảnh báo Trung Quốc bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đáp trả các hoạt động nhằm chia tách nước này.
"Chúng tôi sẵn sàng làm hết sức để thúc đẩy tái thống nhất hoàn toàn một cách hòa bình. Đồng thời, chúng tôi cũng không tha thứ cho mọi hoạt động nhằm mục đích ly khai", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết.
Hôm 14/9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật giúp tăng cường đáng kể hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Đài Loan. Theo dự luật này, Mỹ sẽ phân bổ 4,5 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Đài Loan trong vòng 4 năm, đồng thời cam kết hỗ trợ hòn đảo tham gia vào các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, dự luật cũng đề cập đến các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc đại lục trong trường hợp xảy ra các hành động thù địch ở eo biển Đài Loan.
Để trở thành luật, dự luật trên phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Biden phê duyệt, hoặc giành được đủ sự ủng hộ để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống.
Khi được đưa ra hồi tháng 6 năm nay, dự luật đã vấp phải phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Bắc Kinh cảnh báo sẽ "buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó kiên quyết" nếu Washington gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.