“Chúng tôi quan ngại về tình hình biển Đông có thể dẫn đến mất an ninh và bất ổn ở khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển Đông có những bước đi và biện pháp giảm căng thẳng và đóng góp duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định và an toàn ở khu vực, bao gồm việc tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trên vùng biển của họ và quyền tự do hàng hải, tự do bay ở biển Đông”, tuyên bố của nhóm 3 nước nói.
Là thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh lợi ích của việc áp dụng Công ước trong việc xác định khuôn khổ pháp lý toàn diện mà theo đó, mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương, bao gồm biển Đông, được triển khai, và tạo ra nền tảng cho các hoạt động hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trên biển. Nhóm cường quốc này cũng nhắc lại ý nghĩa của phán quyết mà Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 về biển Đông.
Pháp, Đức và Anh cũng hoan nghênh tiến trình đàm phán giữa các thành viên Asean và Trung Quốc nhằm đạt tới một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) dựa trên pháp luật, hiệu quả và hợp tác, và khuyến khích sớm hoàn tất quá trình này.
Trước đó, Ấn Độ cũng đã phản ứng trước việc Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam, nơi Ấn Độ và Nga đang có hoạt động hợp tác khai thác dầu khí.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar.
New Delhi kêu gọi cần bảo vệ một nền thương mại hợp pháp và không bị cản trở và mọi khác biệt cần được giải quyết hoà bình.
Trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo thường kỳ ở Delhi ngày 29/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nói: “Biển Đông là một phần của tài sản toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích liên quan đến hoà bình và ổn định ở khu vực”.
Ông Kumar nhắc lại quan điểm của Ấn Độ về việc ủng hộ tự do hàng hải và tự do bay, một nền thương mại không bị cản trở trên các vùng biển quốc tế, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. “Ấn Độ cũng tin rằng bất kỳ khác biệt nào cần được giải quyết một cách hoà bình bằng cách tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực”, ông nói.
Ngày 28/8, cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố nói rằng các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông khiến gia tăng căng thẳng, suy thoái môi trường an ninh hàng hải, thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.
EU tuyên bố, điều tối quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, tiến hành các bước cụ thể hướng tới việc trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các bên, nếu thấy hữu ích, cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Tuyên bố khẳng định, EU tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. “Chúng tôi kỳ vọng vào một sự hoàn tất nhanh chóng, minh bạch của các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý”, EU tuyên bố.
EU cũng cam kết đối với một trật tự pháp lý về biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Ngày 28/8, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn, 2 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thách thức 2 tiền đồn quân sự của Trung Quốc trên biển Đông cùng trong một chiến dịch tự do hàng hải.